Sự thật ghê người đằng sau những câu chuyện cổ tích quen thuộc (P3)

Lemon
  1. Khi những câu chuyện cổ tích không còn ngọt ngào và thơ mộng như chúng ta thường đọc.

    Đằng sau những câu chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới và được trẻ em yêu mến lại ẩn chứa những sự thật đau lòng đến bất ngờ. Hóa ra, hạnh phúc chưa bao giờ là trọn vẹn và luật nhân quả, báo oán vẫn luôn tồn tại ngay cả trong những câu chuyện cổ tích mà ta cứ ngỡ là chỉ có những phép nhiệm màu.

    Nàng Tiên Cá

    Chắc các bạn còn nhớ câu chuyện về Nàng tiên cá mà hãng Walt Disney đã kể cho chúng ta nghe. Phòng trường hợp các bạn quên thì đó là câu chuyện tình yêu giữa nàng tiên cá bé nhỏ Ariel và chàng Hoàng tử loài người. Trong một tai nạn lật thuyền, Ariel đã cứu Hoàng tử khi chàng bị sóng biển nhấn chìm nhưng tiếc thay khi tỉnh lại, Hoàng tử không hề biết gì về ân nhân của mình. Trong khi đó, Ariel ngày đêm mong ngóng người trong mộng nên đã đến chỗ mụ phù thủy biển Ursula, chấp nhận đánh đổi giọng hát lấy đôi chân con người để có thể lên bờ, đi tìm tình yêu. Sau đó, cặp đôi tái ngộ và cùng nhau chiến đấu chống lại mụ phù thủy trước khi tiến tới hôn nhân, sống cuộc đời hạnh phúc mãi mãi về sau. Xuyên suốt bộ phim, các nhân vật không ngừng ca hát, mang đến cho bộ phim không khí vô cùng tươi vui, phù hợp với trẻ em ở mọi độ tuổi cùng thông điệp tích cực cái thiện lúc nào cũng chiến thắng cái ác.

    [​IMG]
    Ursula phiên bản Disney


    Nhưng, bạn hãy quên kết thúc có hậu này đi vì câu chuyện gốc là một câu chuyện đẫm máu về sự hy sinh và nỗi đau đớn tột cùng trong tình yêu. Tất nhiên là không hề có một "happy eading" nào cả.

    Câu chuyện gốc được cho là tác phẩm của nhà văn Hans Christian Andersen (1805 - 1875). Trong câu chuyện này cũng có một Nàng tiên cá xinh đẹp. Hàng ngày, nàng bơi lội dưới đáy đại dương sâu thẳm, làm bạn cùng những sinh vật biển. Sau đó nàng cũng đã cứu một Hoàng tử bị đuối nước từ vụ đắm tàu và đem lòng yêu anh ta. Nàng tiên cá quyết định trao đổi giọng nói với mụ phù thủy biển để biến đuôi cá của mình thành đôi chân con người, bất chấp việc mỗi bước đi trên đất liền nàng sẽ cảm thấy như đang "đi trên hàng ngàn lưỡi dao". Chưa hết, nếu như Hoàng tử không đáp lại tình yêu thì nàng sẽ biến thành bọt biển như một phần của thỏa thuận hắc ám.

    Kết quả, Nàng tiên cá thất bại vì Hoàng tử đã phải lòng một cô gái khác. Nàng tuyệt vọng chờ đợi cái chết đến với mình. Nhưng sáng hôm sau, chị em gái của nàng xuất hiện với một con dao găm trên tay. Họ đã đánh đổi mái tóc dài của mình để có được nó từ mụ phù thủy biển. Nếu như Nàng tiên cá chịu dùng con dao để giết Hoàng tử thì nỗi đau của nàng sẽ kết thúc và có thể trở về biển cả sống một đời hạnh phúc mãi mãi về sau.

    [​IMG]
    [​IMG]


    Một lần nữa, Nàng tiên cá lại thất bại. Nàng không thể giết người mình yêu, khi ấy còn đang nằm cạnh người vợ mới cưới. Nàng đau khổ tan thành bọt biển. Thế nhưng phép màu đã xảy ra, nàng đã không chết mà bắt đầu cảm nhận được hơi ấm và hóa thành một người con của Khí Thần. Sau đó, nàng đã gặp nhiều nàng tiên giống mình. Họ giải thích rằng trái tim của nàng đã vượt qua mọi thử thách để trở thành một linh hồn bất tử. Nàng tiên cá sẽ phải giúp đỡ nhân loại trong 300 năm để có thể bước chân vào Thiên đàng - nơi ở của Thượng đế.

    Pinocchio

    Cái tên gốc của câu chuyện về cậu bé người gỗ Pinocchio là Pinocchio Giết Chú Dế. Trong câu chuyện này, nàng tiên thực chất là một zombie biết nói và Pinocchio sẽ chết do thói nghịch ngợm của mình.

    [​IMG]

    Phiên bản quen thuộc mà các bà mẹ hay kể cho con mình đó là câu chuyện về bác thợ mộc Gepetto sinh sống ở miền quê Tuscany, Ý. Một ngày nọ, bác nhặt được một vụn gỗ đẹp và đã làm ra một chú bé bằng gỗ. Ngay khi bác thợ mộc già ước rằng chú bé gỗ có thể biến thành người thật thì có một cô tiên xanh đi ngang qua đã nghe thấy. Và từ đó, chú bé bằng gỗ có thể sống như một chú bé đích thực, được đặt tên là Pinocchio. Câu chuyện tiếp theo là hành trình phiêu lưu của cậu bé người gỗ để tìm cách cứu cha và cuối chuyện là tất cả mọi người được sống hạnh phúc vui vẻ, sau khi Pinocchio bỏ được tật nói dối của mình.

    [​IMG]

    Nhưng trong câu chuyện gốc thì mọi chuyện không "màu hồng" như thế dù rằng kết thúc vẫn có hậu. Trong câu chuyện có phần tăm tối này, Pinocchio chọc phá Gepetto một cách vô học rồi bỏ chạy. Gepetto đuổi theo nhưng bị cảnh sát bắt và tống giam vì nghĩ rằng ông ta “quấy rối” con búp bê. Khi Pinocchio quay về nó gặp một chú dế trăm tuổi, kể cho nó câu chuyện về một chú bé phá phách bị biến thành con lừa. Pinocchio tức giận nghĩ rằng con dế đang chế giễu mình nên đã lấy cây búa rồi liệng vào chú dế làm nó chết tức tưởi.

    Pinocchio sau đó còn suýt bị thiêu rụi như củi đốt và nó còn dám cắn đứt móng của một con mèo độc ác. Tình cờ. Pinocchio cứu được một nàng tiên tóc xanh xinh đẹp, cô ta nói với nó rằng cô ta đã chết và đang chờ người ta mang xác đi. Pinocchio sau đó bị treo lên cây bởi con mèo sứt móng và con cáo đồng hành với nó, chúng nhìn Pinocchio ngạt thở đến chết. Câu chuyện chấm hết.

    Tuy nhiên, tác giả không hài lòng lắm với kết thúc như vậy nên đã sáng tác thêm phần hai của câu chuyện. Ngay đoạn này, nàng tiên xinh đẹp đã đến kịp thời và giải cứu Pinocchio. Sau đó, họ chung sống hạnh phúc với nhau. Tuy vậy, Pinocchio vẫn cứ quen thói quậy phá và cuối cùng bị biến thành một con lừa rồi bị bán cho một rạp xiếc và bị què ở đó.

    Pinocchio lúc này trong hình dáng một con lừa bị một nhạc sĩ mua lại. Ông ta muốn giết nó để lột da làm trống. Ông ta đã cột một tảng đá vào cổ con lừa và dìm nó xuống biển. Trong lúc đang chìm xuống biển, một bầy cá đã đến rỉa thịt nó cho đến khi còn trơ lại mỗi bộ xương con rối bằng gỗ. Pinocchio bơi đi, nhưng lại bị một con cá mập khổng lồ nuốt vào trong bụng. Trong bụng con cá, nó tìm thấy Gepetto không hiểu vì lý do gì lại đang ngồi trên bàn, cố ăn một con cá sống. Sau khi cả hai hợp sức trốn thoát khỏi bụng con cá, Pinocchio đã tận tình chăm sóc Gepetto và sau cùng như là một phần thưởng vì đã trở nên ngoan ngoãn và siêng năng làm việc, Pinocchio biến thành người.

    Hansel và Gretel

    Ban đầu, ai cũng nghĩ câu chuyện của Hansel và Gretel được kể cho trẻ em để ngăn chúng không đi lang thang bên ngoài. Thế nhưng, khi xem xét đến bối cảnh câu chuyện ra đời, chúng ta sẽ phải nghĩ lại xem có đúng mục đích của câu chuyện là như vậy không, hay thực chất đây là một câu chuyện "tả thực"?

    Bối cảnh câu chuyện này được cho là ở thời kỳ xuất hiện nạn đói lớn nhất trong thế kỷ 14 ở châu Âu. Đây là khoảng thời gian vô cùng đen tối, con người ta đôi khi phải làm những việc đáng sợ để tồn tại. Như việc trẻ em bị bỏ rơi và những người ăn thịt đồng loại là hai trong số những ví dụ nổi bật nhất. Lúc này, trẻ em chính là nạn nhân chủ yếu, người lớn đã có những hành động man rợ với chúng.

    [​IMG]

    Câu chuyện chúng ta thường được nghe kể là về gia đình của người tiều phu sống cạnh cánh rừng nọ đã lâm vào cảnh đói khát cùng cực trong nạn đói. Ông có một người vợ đã qua đời, để lại cho ông một trai một gái. Người vợ kế, trong cảnh đói khát, đã muốn ông mang hai đứa trẻ bỏ vào rừng để tiết kiệm thức ăn. Sau một lúc đắn đo, người tiều phu đã đồng ý bỏ bọn trẻ lại trong rừng.

    Nhưng may mắn là cả Hansel và Gretel đã nghe thấy mẹ kế và cha mình bàn bạc nên chúng định đi ra vườn để nhặt những viên sỏi trắng mà Hansel thường dùng để đánh dấu con đường. Tuy nhiên, bà mẹ kế đã khóa trái cửa nên hai đứa bé tội nghiệp không thể ra ngoài. Vì vậy, Hansel quyết định đã dùng những miếng bánh mì vụn để dánh dấu đường đi.

    Sau đó, theo đúng kế hoạch, hai vợ chồng người tiều phu đã bỏ rơi hai đứa trẻ trong rừng. Chúng lang thang rồi đi đến một túp lều bí ẩn làm toàn bằng kẹo và bánh ngọt. Đó là nơi ở của mụ phù thủy. Bà ta là kẻ chuyên ăn thịt người. Vì vậy, hai đứa trẻ đã trở thành món mồi ngon cho mụ. Nhưng do người ngợm của hai đứa quá gầy nên mụ quyết định vỗ béo Hansel trước. Riêng bé Gretel được dùng làm nô lệ phục dịch mụ. Nhờ vậy mà những đứa trẻ tạm thời tránh được cái chết bi thảm.

    Sau đó, Hansel tinh ranh nhận ra rằng mụ phù thủy bị mù vì mụ ta thường dùng tay để véo tay nó xem đã béo hơn chưa. Hansel tinh quái, thay vì đưa tay cho mụ phù thủy véo thì nó lại đưa ra cái xương gà. Thế nên, Hansel giữ được mạng sống thêm vài ngày nữa.

    [​IMG]

    Nhưng cuối cùng mụ phù thủy vẫn chuẩn bị một lò nướng thịt để nướng chín cả hai đứa trẻ. May mắn thay, Gretel đánh lừa mụ phù thủy thành công và ném mụ vào chiếc lò nướng bánh. Sau đó, chúng lục tung túp lều để tìm vàng, đồ trang sức và các vật quý giá. Cùng với sự giúp đỡ của các loài chim, hai đứa trẻ trở về nhà an toàn. Bà mẹ kế đã chết trong khoảng thời gian nạn đói hoành hành. Kết thúc câu chuyện hai đứa trẻ và người cha đáng thương đã chung sống với nhau vô cùng hạnh phúc.

    Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng Hansel và Gretel có thể đã được dựa trên câu chuyện về người thợ làm bánh nổi tiếng Katharina Schraderin. Vào thế kỷ XVII, cô đã chế biến ra một loại bánh quy gừng ngon đến nỗi khiến một gã làm bánh khác ghen tỵ và buộc tội cô là phù thủy. Sau khi được đưa về từ thị trấn, một đoàn những người hàng xóm đầy tức giận đã lùng bắt cô, mang cô về nhà và thiêu cháy cô trong lò nướng.

    (Hết)


Chia sẻ trang này

Tin mới nhất