Tổng hợp 12 nỗi buồn công nghệ lớn nhất năm 2014 (Phần 1)

Bomer
  1. Năm 2014 đã dần khép lại. Bên cạnh một phiên bản Android 5.0 Lollipop vô cùng sáng tạo, sự kiện xe hơi chạy điện Tesla Model S phát hành chính thức hay sự hồi sinh của BlackBerry, trong năm qua các tín đồ công nghệ cũng đã phải chứng kiến rất nhiều sự kiện đáng buồn.

    1. Smartphone Nokia Android gây thất vọng lớn


    [​IMG]
    Nokia X, chiếc smartphone Android đầu tiên của Nokia


    Sau khi Microsoft mua lại bộ phận phát triển thiết bị/dịch vụ của Nokia, người hâm mộ vẫn còn một chút hy vọng rằng gã khổng lồ phần mềm sẽ giữ lại thương hiệu điện thoại di động đã từng một thời thống trị thế giới này. Thế nhưng, tình cảm của người hâm mộ dành cho Nokia đã sớm trở thành nỗi thất vọng: vào tháng 9, Microsoft chính thức khai tử thương hiệu Nokia và đưa tên gọi Microsoft lên tất cả các thế hệ Lumia tương lai.

    Nhưng điều đáng nói hơn cả là sự ra mắt của những chiếc smartphone Nokia chạy Android đầu tiên: Nokia X, XL, XL+ và X2. Khác hẳn với kỳ vọng trước đây của người tiêu dùng rằng smartphone Android của Nokia sẽ kết hợp chất lượng phần cứng tốt nhất thế giới với hệ điều hành phổ biến nhất thế giới, những chiếc Nokia X chỉ là một bản sao nguệch ngoạc của Windows Phone lên nền Android. Cấu hình èo uột cộng với giao diện cố gắng quá sức để học theo Windows Phone đã khiến trải nghiệm Nokia X trở thành một dấu chấm đầy nuối tiếc cho Nokia. Thậm chí, người dùng dù thương tiếc thương hiệu Nokia nhưng cũng không thể chấp nhận nổi chiếc smartphone Nokia Android đầu tiên.

    [​IMG]
    Nokia (phần không được bán lại cho Microsoft) sau đó đã nhượng quyền cho Foxconn sản xuất tablet thương hiệu Nokia

    Có lẽ, các phiên bản Nokia X đã được công ty Phần Lan phát triển để tạo sức ép khiến Microsoft phải chấp nhận thương vụ sáp nhập. Chỉ ít lâu sau khi thế hệ kế nhiệm Nokia X2 ra đời, Microsoft chính thức khai tử dòng điện thoại này. Không một ai nuối tiếc Nokia X, dù sau đó Nokia (bộ phận không được bán lại cho Microsoft) đã âm thầm phát triển một chiếc tablet có tên Nokia N55 chạy Android – vốn thực chất cũng chỉ là tablet Foxconn mang thương hiệu Nokia nhượng quyền.

    2. Smartwatch không thể bắt đầu một cuộc cách mạng mới


    iPad đã ra mắt cách đây 4 năm. Đã quá lâu rồi người hâm mộ không còn được chứng kiến một sản phẩm đột phá ra đời và thay đổi cả thế giới. Với trỗi dậy tương đối mạnh mẽ của smartwatch trong năm ngoái và sự kiện ra mắt đình đám của Google Glass, người ta đã từng hy vọng rằng các thiết bị thời trang công nghệ (đồng hồ thông minh, vòng đeo luyện tập, kính thông minh...) sẽ trở thành những chiếc iPod/iPhone/iPad tiếp theo của thế giới.

    [​IMG]
    Có vẻ ngoài hào nhoáng nhưng thực chất tính năng của Moto 360 cũng không có gì đặc biệt


    Nhưng, bắt đầu từ vẻ ngoài nhàm chán của những chiếc Pebble và thất bại khá thảm hại của thế hệ Galaxy Gear đầu tiên, tương lai của smartwatch bắt đầu bị đặt dấu hỏi. Trong năm 2014, cả Google và Apple đều đã có những bước tiến mạnh mẽ trên thị trường thời trang công nghệ: Google ra mắt "hệ điều hành smartwatch" Android Wear, còn chiếc "iWatch" được đồn đại rất lâu cuối cùng cũng đã lộ diện với tên gọi "Apple Watch".

    Không thể phủ nhận được rằng những chiếc smartwatch Android Wear như Moto 360 hay LG G Watch R đều là những sản phẩm ấn tượng. Những chiếc Galaxy S hay iPhone vẫn bán được hàng chục triệu máy mỗi quý – điều này có nghĩa rằng smartwatch luôn có thị trường tiềm năng khổng lồ. Các sản phẩm như Moto 360 kết hợp phần mềm tuyệt đỉnh với phần cứng hoàn mỹ. Apple Watch được dự kiến sẽ có doanh số hàng chục triệu. Ấy vậy mà sự chờ đợi của giới hâm mộ dành cho các dòng smartwatch đình đám vẫn không thể "nồng nhiệt" như smartphone.

    [​IMG]
    Apple Watch với thiết kế không có gì nổi trội


    Vì sao điều này lại xảy ra? Đầu tiên, smartwatch thế hệ đầu vẫn có thiết kế tương đối cồng kềnh và thời lượng pin kém cỏi. Người dùng vẫn sẽ sẵn sàng bỏ qua những điểm yếu này nếu như smartwatch có thể thay đổi trải nghiệm hàng ngày của họ, nhưng Google (và rất có thể là cả Apple) đều không làm được điều này: smartwatch hiện giờ vẫn phải "sống nhờ" vào smartphone và các tác vụ chủ yếu vẫn chỉ là hiển thị thông báo và đo đạc thông số sức khỏe. Khi không thể tạo ra một trải nghiệm mang tính cách mạng, những chiếc smartwatch đã mất cơ hội để trở thành iPhone tiếp theo.

    3. Google Glass chìm vào dĩ vãng


    Bạn nghĩ gì về một chiếc kính có khả năng quay camera và hiển thị thông tin tìm kiếm lên mắt kính đến từ một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới? Nếu câu trả lời của bạn là "thật tuyệt", hãy nghĩ đến mức giá... 1500 USD, vẻ ngoài kỳ dị do chiếc kính gắn pin này mang lại (đi kèm với cái nhìn kỳ thị, khó chịu của mọi người) cùng trải nghiệm người dùng hoàn toàn... thừa thãi. Những chiếc smartwatch có thể không tạo ra một cuộc cách mạng nào, nhưng chúng vẫn là một mảng làm ăn tiềm năng dành cho các nhà sản xuất. Nhưng với cái chết của Google Glass, thị trường kính thông minh có vẻ sẽ rút gọn lại thành các sản phẩm chuyên biệt có số lượng hạn chế.

    [​IMG]
    Lại thêm một cái kết đáng buồn cho một dòng sản phẩm đã từng được kỳ vọng sẽ là chiếc iPhone tiếp theo.

    4. Uber "cạnh tranh bẩn", liên tiếp bị cấm tại nhiều quốc gia


    Hình thức "chia sẻ chuyến đi" qua ứng dụng smartphone đang trở thành một trào lưu nổi bật của thập niên mới. Điều đáng buồn là tên tuổi số 1 của loại hình giao thông mới mẻ này, Uber, lại đang gặp phải hết rắc rối này đến rắc rối khác.

    Đầu tiên, vào tháng 8, dịch vụ cạnh tranh Lyft đưa ra cáo buộc rằng lái xe của Uber đã cố tình đặt hàng hàng nghìn lượt taxi Lyft và rồi hủy chuyến trong vòng 9 tháng trước đó. Ngay sau đó, các nhà phát triển ứng dụng Gett cạnh tranh cũng khẳng định Uber đã dùng một hình thức cạnh tranh "bẩn" tương tự để gây thiệt hại cho Gett.

    [​IMG]
    Lái xe taxi khắp nơi trên thế giới biểu tình phản đối Uber


    Tiếp đó, đến tháng 11, một nhà lãnh đạo của công ty lên tiếng khẳng định sẽ sẵn sàng bỏ ra 1 triệu USD để hạ nhục một nhà báo đã từng viết bài phê phán công ty này. Vụ việc khiến cho CEO Travis Kalanick buộc phải lên tiếng xin lỗi, nhưng vị lãnh đạo "thiếu năng lực lãnh đạo, thiếu tình người và không làm theo giá trị của Uber" nói trên cuối cùng vẫn được giữ nguyên vị trí.

    Và, những vụ việc tai tiếng do tình trạng tuyển chọn lái xe không kỹ càng vẫn liên tục xảy ra. Mới chỉ tuần trước, một lái xe Uber tại Ấn Độ đã bị bắt do cưỡng hiếp hành khách. Nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp "chấn chỉnh" Uber, một số khác đã ra tay đóng cửa dịch vụ này.

    5. Facebook đem người dùng ra làm chuột bạch


    Cuối tháng 6, mạng xã hội số 1 hành tinh hé lộ đã từng mang gần 700.000 người dùng ra làm "chuột bạch" cho một thí nghiệm cảm xúc bằng cách cố ý lựa chọn các mẩu tin hiển thị trên News Feed của họ. Ngay lập tức, cộng đồng người dùng và báo giới lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động này của Facebook. So với hành vi thu thập thông tin của người dùng để bán quảng cáo, hành động mang người dùng ra làm vật thí nghiệm của Facebook thậm chí còn chạm tới một cột mốc mới về... sự vô đạo đức trong kinh doanh dữ liệu.

    [​IMG]


    Tuy vậy, ở vị thế gần như độc quyền với số người dùng vượt ngưỡng 1,2 tỷ, Facebook không hề tỏ ra hối hận một chút nào về hành động này: "Cái cách mà chúng tôi truyền tải thông điệp về việc này rõ ràng là đã rất tồi, và chúng tôi xin lỗi về điều đó", giám đốc điều hành Sherul Sandberg lên tiếng sau khi sự cố xảy ra.

    Nói cách khác, Facebook có gửi lời nhắn tới bạn rằng "Chúng tôi xin lỗi vì nói không rõ ràng, nhưng đem người dùng ra làm chuột bạch thì cũng chẳng làm sao cả".

    6. 2014 – Năm của những "thảm họa bảo mật"


    Nếu như năm 2013 chứng kiến Adobe bị "hack" tơi bời làm lộ hàng chục triệu tài khoản người dùng, năm 2014 chứng kiến một loạt các chuỗi bán lẻ và công ty tài chính bị hacker tấn công. Vào tháng 10, JP Morgan để lộ 76 triệu tài khoản gia đình và 7 triệu tài khoản doanh nghiệp nhỏ lẻ. Tháng 11, Home Depot để mất 53 triệu tài khoản email và 56 triệu thẻ tín dụng.

    [​IMG]
    "Nạn nhân" của Celebgate bao gồm tất cả các lĩnh vực âm nhạc, phim và thời trang


    Song, vụ hack đình đám hơn cả có lẽ sẽ là vụ "Celebgate" của Apple. Bắt đầu từ cuối tháng 8, một loạt các bức ảnh (và cả video) "nhạy cảm" của các nữ ngôi sao đình đám Hollywood bắt đầu bị rò rỉ trên Reddit và các trang mạng xã hội khác. Tất cả các bức ảnh này có lẽ đều đã bị lộ từ dịch vụ đám mây iCloud của Apple: một số ảnh thậm chí còn có hình nạn nhân dùng iPhone để chụp ảnh "tự sướng".

    Vụ việc làm mất mặt tất cả các bên này sau đó đã nhanh chóng bị Apple phủ nhận trách nhiệm: theo đại diện của Táo, nạn nhân đã tự để lộ tài khoản và mật khẩu thông qua các vụ lừa đảo qua mạng. Song, các nghiên cứu bảo mật cũng cho thấy rất có thể hacker đã sử dụng kiểu tấn công brute-force (thử nghiệm hàng triệu mật khẩu cho đến khi tìm được mật khẩu chính xác). Sau khi vụ việc xảy ra, Apple lẳng lặng đưa ra hình thức xác thực 2 yếu tố cho iCloud.

    Nhưng Sony mới là tên tuổi công nghệ đen đủi nhất trong năm nay. Cuối tháng 11, đầu tháng 12, bộ phận phát hành phim Sony Pictures bắt đầu bị tấn công để lộ hàng loạt các thông tin bí mật, bao gồm cả email, mật khẩu của nhân viên công ty lẫn các bộ phim chưa phát hành. Thậm chí, nhân viên của Sony còn nhận được email đe dọa tính mạng.

    Vào tuần trước, Sony đã phải ngừng quay các bộ phim đang trong quá trình sản xuất để hạn chế thiệt hại do vụ hack khủng khiếp này gây ra.

    [​IMG]


    Vụ hack vào Sony có rất nhiều ẩn số, song thông tin đáng chú ý hơn cả có lẽ là "nghi phạm": Bắc Triều Tiên. Sony Pictures trong tháng tới sẽ ra mắt một bộ phim hài nói về điệp vụ ám sát Chủ tịch Kim Jong-un, một bộ phim mà Bắc Hàn từng lên tiếng kịch liệt phản đối. Có vô số dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên thực sự là nghi phạm lớn nhất trong vụ việc này: các thông điệp do hacker để lại cho Sony thường sử dụng tiếng Anh sai ngữ pháp; FBI khẳng định trình độ của hacker lần này vượt qua khả năng phòng vệ của 90% các doanh nghiệp và tổ chức chính phủ; hacker cũng đã lên tiếng đòi Sony phải ngừng phát hành The Interview (bộ phim hài nói trên).

    Ấy vậy mà chính FBI cũng đã lên tiếng xác nhận rằng hacker của chính phủ Bắc Triều Tiên không phải là thủ phạm. Vụ hack vào Sony có lẽ sẽ kéo dài tới tận đầu năm 2015, và những nghi vấn về vụ việc này sẽ khiến cả FBI lẫn Sony phải đau đầu trong một thời gian dài.

    Theo VnReview


Chia sẻ trang này

Tin mới nhất