Thị trường smartphone chưa có nhiều biến động lớn

Bomer
  1. Thứ bậc trên thị trường smartphone đến tháng 5/2015 này vẫn chưa có gì biến động nhiều ngoài một số cuộc ra mắt khá rình rang, trong đó đặc biệt là Bphone

    Tuy nhiên, để được kể tên trên thị trường thì Bphone còn quá mới, trong khi những lời hứa cũ từ năm 2014 thì vẫn chưa thấy "ứng nghiệm" với một số hãng điện thoại Trung Quốc.

    Ngôi thứ chưa thay đổi
    Còn nhớ hồi đầu năm 2015, IDC đưa ra nghiên cứu cho biết thứ bậc trên thị trường smartphone Việt Nam vẫn là Samsung nhất, Nokia – Microsoft nhì, thứ ba đáng kể là OPPO và thứ tư có sự vượt lên ngoạn mục là ZenFone của ASUS.

    Thế nhưng đến hết quý I và cả tháng 4/2015, thị trường smartphone Việt không có nhiều biến động. Samsung ra mắt Galaxy S6S6 Edge, ZenFone được bán tại Việt Nam từ 15/5 và Bphone ra mắt tại Hà Nội ngày 26/5. Nhưng tất cả đó mới chỉ là sự kiện chứ chưa phải là doanh số. Trong báo cáo các dòng smartphone bán chạy nhất tháng 4/2015 của hai hệ thống bán lẻ hàng đầu hiện nay là Thegioididong.com và FPT Shop, Samsung lại vẫn chễm chệ vị trí đầu bảng, nhưng bằng các dòng tầm trung và thấp chứ S6 và S6 Edge chưa tạo ra dấu ấn gì trên thị trường.

    Ở bảng sản phẩm bán chạy của Thegioididong.com, Microsoft Lumia đứng thứ hai và OPPO có một số sản phẩm bán chạy đứng thứ ba trong khi iPhone 6 và 6 Plus lọt ngoài sổ hàng bán chạy trong tháng. Còn ở bảng hàng bán chạy của FPT Shop có chút khác biệt, đứng đầu vẫn Samsung với các dòng tầm trung và tầm thấp được giảm giá khá sâu, song iPhone 6 lại ghi dấu vị trí bán chạy thứ hai và tiếp sau là OPPO rồi mới đến một số dòng của Microsoft Lumia.

    [​IMG]
    Bphone còn quá mới trên thị trường smartphone đã phân định ngôi thứ


    Bốn tháng đầu năm 2015 ZenFone 2 chưa có ở Việt Nam nên ASUS cũng không lọt vào trong bảng xếp hạng tốp hàng bán chạy tại các hệ thống bán lẻ.

    Sự "động binh" của các thương hiệu Samsung, Microsoft Lumia, OPPO được các hệ thống bán lẻ nêu ra vẫn là những cuộc "đạp giá" ở một số dòng tầm trung và thấp mang đến doanh số bán mạnh hơn. Điều này không còn là chuyện lạ trên thị trường smartphone Việt với sự lo âu luôn thuộc về một số thương hiệu Việt.

    Có nên nghĩ đến một cuộc "lật đổ"?
    Theo nhận định của một số nhà bán lẻ, vị trí số 1 của Samsung trong năm 2015 này khó ai có thể soán được nhưng vị trí thứ 2 của Microsoft Lumia cũng không phải dễ mấy ai giành được. Dù đã dứt tình với thương hiệu Nokia nhưng trong vài năm sống dưới cái bóng thương hiệu này Lumia cũng củng cố được chỗ đứng nhất định, hơn nữa khoảng cách giữa số 2 với số 3 OPPO là một tỉ lệ thị phần khá xa.

    Trong dịp ra mắt ZenFone 2 tại Jakarta (Indonesia) cuối tháng 4/2015 vừa qua, ông Tổng giám đốc ASUS Việt Nam là Jeff Lo không hề giấu giếm mục tiêu trước mắt trong năm nay là "đánh chiếm" vị trí thứ 3 đang do OPPO nắm giữ. Cả ASUSOPPO hiện nay về mặt dư luận xã hội đều đang tránh được "búa rìu" nhạy cảm cho rằng là thương hiệu Trung Quốc nhưng trên thực tế nếu vấn đề này có xảy ra thì OPPO gốc gác Trung Quốc vẫn bất lợi hơn là ASUS gốc gác Đài Loan. Đến thời điểm cuối năm 2014, chênh lệch giữa OPPO và ASUS về thị phần là khoảng 2% vốn là một tỉ lệ chưa đủ vững chắc. Tuy nhiên, việc ZenFone 2 về Việt Nam khá muộn (giữa quý II/2015 hàng mới về) cũng là một sự bất cập trong khi OPPO có một số mẫu nằm trong tốp bán chạy vài tháng trở lại đây cho thấy thương hiệu này đã dần tạo được niềm tin đối với người dùng.

    Trên thực tế tuỳ theo phương pháp nghiên cứu mà giữa IDC và GfK đưa ra những kết quả khác nhau về thứ bậc trên thị trường smartphone ở vị trí thứ tư và thứ năm (ngoài tốp ba ổn định là Samsung, Microsoft, OPPO). Chính vì thế, vị trí thứ tư của ASUS cũng chưa thể vững chắc song đó là điều hãng này chắc chắn đã ý thức được và vì thế ZenFone 2 được kì vọng là con bài chiến lược giúp thúc đẩy doanh số và thứ bậc tại thị trường Việt Nam cho ASUS.

    Điều đáng nhắc đến ở đây là, một số lời cam kết thúc đẩy mạnh mẽ về marketing và bán hàng tại thị trường Việt Nam của một số thương hiệu thuộc về Trung Quốc là Huawei và Alcatel từ năm 2014 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy thể hiện được gì nhiều từ con số hứa hẹn bung ra nguồn ngân sách vài triệu USD để làm thị trường.

    Có một "bệnh tưởng" cho rằng cứ đổ tiền vào thị trường Việt Nam làm marketing thì ắt hẳn sẽ tạo ra hiệu quả bán hàng. Một điển hình là OPPO trong những năm qua có thời điểm mỗi tháng chi đến hàng triệu USD để quảng cáo và tiếp thị, nhưng nên biết rằng nếu không tiêu tiền đúng hướng thì khó mong tạo ra hiệu quả kinh doanh tốt.

    Năm 2014 điểm sáng thị trường smartphone nằm ở OPPO, ASUS và có thể là những thương hiệu Việt đang muốn "yên thân làm ăn" hơn là cái thứ bậc cũ kĩ của Samsung, Microsoft Lumia. OPPO đã quyết tâm đầu tư giành lấy thị trường và đã gặt hái được thành quả. ASUS có một chiến lược sản phẩm tốt cộng thêm một chút may mắn để thành công được như trong năm 2014. Nhưng bước sang năm 2015, ASUS sẽ dần từ bỏ phân khúc smartphone giá tầm thấp trên dưới 2 triệu đồng và chấm dứt sản xuất thế hệ ZenFone đầu từ tháng 9/2015. Thông tin này có thể khiến một số thương hiệu thấy thích thú vì cho rằng có cơ hội chen chân nhưng cuộc đấu trong nhóm thương hiệu đang giành từ xấp xỉ 1% thị phần đến dưới 1% thị phần smartphone tại Việt Nam cũng đang không kém ngột ngạt.

    Và trên thực tế cũng rất hiếm khi nhóm thương hiệu này có sản phẩm lọt vào tốp bán chạy ngoài những trường hợp mua kết quả nghiên cứu bằng tiền nhằm để PR. Thị trường smartphone Việt Nam hiện nay sẽ nhàm chán biết mấy nếu không xảy ra những cuộc "lật đổ", chí ít là ở "hạ tầng".

    Theo VnReview


Chia sẻ trang này

Tin mới nhất