[Tâm sự game thủ] Lại một mùa Vu lan tôi nhớ tuổi thơ

mjuxinh
  1. Dần dà, lớn lên, ngoài 20 tuổi đời, chưa đủ để được gọi là trưởng thành, nhưng cũng đủ để những đạo nghĩa dần trở nên tường minh và sáng rõ. Tôi vẫn nhớ về những mùa Vu lan đã qua như là dịp để con người ta bày tỏ đức nhân, sự hướng thiện của mình như thế.

    "Mùa Vu lan níu váy mẹ lên chùa
    Vận áo nâu, mẹ chít khăn mỏ quạ
    Đội mâm oản, vàng hương và ngũ quả
    Môi quết trầu cười như những hạt na
    ….
    Bếp đun rơm mẹ cầm chiếc que cời
    Thổi xôi nếp, nấu cháo hoa cúng bái
    Bày trước hiên mẹ lầm rầm khấn vái
    “Ơi cô hồn về thụ hưởng lễ đi…”
    (Nhớ mùa Vu lan xưa)

    Có một chiều mưa như trút, vô tình đọc được mấy câu thơ của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, chợt thấy lòng mình nhẹ bẫng như vừa chạm vào khoảnh khắc của một thời tuổi thơ bé bỏng, hồn nhiên và cũng đầy khờ dại. Khi những hạt mưa ngâu bắt đầu sục sùi rơi xuống, cũng là lúc bắt đầu bước vào mùa lễ hội Vu lan.

    Đã 3 năm ra thành phố học cấp 3, rồi xuống Hà Nội học Đại học đến nay đã là sinh viên năm cuối. Tôi vẫn nghe người ta nói nhiều về ngày Rằm tháng Bảy, ngày Báo hiếu, ngày Xá tội vong nhân, rồi mùa lễ hội Vu lan, về một tháng Bảy trời mưa, nhưng sau cơn mưa trời vẫn sáng trong ấy. Nhưng trong tôi lại dần mất đi cái ý nghĩa đặc biệt của một ngày - mà từ bao đời nay vốn dĩ đã là đặc biệt rồi, rằng tôi thấy nó cũng giống như bao ngày Rằm, mùng Một khác trong năm mà thôi, có khác chăng cũng chỉ ở tên gọi và cái ý nghĩa thiêng mà người ta nghĩ về nó.

    [​IMG]


    Tôi không biết rằng tôi thay đổi, nên mọi cảm nhận trong tôi về mùa Vu lan nay khác đi, hay bởi chính con người ta biến nó trở nên khác. Cuộc sống giờ ai cũng mải mê chạy theo bốn chữ: Công, Danh, Tiền, Tài. Những lễ tiết, phong tục đều được tổ chức theo những khuôn mẫu giống nhau, đại khái nghĩa là ngày lễ nào cũng sẽ có mâm lễ, vàng mã, xôi gà… Bởi thế, lũ trẻ con bây giờ, nhất là trẻ con thành phố, thường chẳng có ấn tượng gì khắc sâu đọng lại ngoài chuyện “ăn lộc”, “hưởng lộc”.

    [​IMG]


    Nhưng đối với những đứa trẻ lớn lên ở nông thôn trong quá khứ như chúng tôi thì mỗi mùa Vu lan của tuổi thơ, những ngày tháng Bảy trời mưa trong, sẽ mãi là những dấu ấn khó phai nhạt trong bức tranh muôn màu, muôn sắc của của tuổi thơ, trong mảnh vườn muôn hương, muôn vị của tâm hồn sáng trong.

    Đó là cái thời mà lũ trẻ con vô tư nghịch ngợm, ham chơi, ham vui như chúng tôi cứ mãi mải mê với những ngày hè nắng tươi giòn, cháy xẹm da như thế. Có lẽ ngoài mấy ngày Tết được nhận tiền mừng tuổi ra thì hè là thời gian mà lũ nhóc chúng tôi chờ đợi nhất, bởi được nghỉ học và được tha hồ chạy nhảy ngoài đồng với đủ các trò tắm sông, bắt dế, bắn chim, chơi trận giả… Cứ nghĩ nắng vẫn còn tươi lắm, đâu hay lá đã ngả vàng và bắt đầu lác đác rụng sau khu vườn, đâu hay sớm ban mai bắt đầu một ngày mới đã chuyển sang chút se lạnh trầm tĩnh đầy chiêm nghiệm. Lòng trẻ con cũng vì thế mà thôi giục giã, náo nức.

    [​IMG]


    Rồi những cơn mưa ngâu bắt đầu sục sùi rơi xuống, một bữa thấy bà đi chợ về mua thêm vài cân gạo nếp. Rồi một chiều bà thổi xôi, nấu thật nhiều cháo hoa. Đặt mâm cúng trước hiên nhà rồi bà khấn: “Ơi cô hồn, về hưởng lễ đi!”. Trong cái đầu non nớt của chúng tôi, chỉ nghĩ nó đơn giản như những ngày cúng giỗ ai đó trong họ. ‘Cô hồn” – khái niệm ấy đối với tôi khi đó cũng thật xa lạ, khó hiểu và mơ hồ. Bởi một khi người ta chưa phơi trải, chưa nếm đủ mọi vị cay đắng, khổ đau, mất mát của cuộc đời, nào đâu có thể biết đến những điều như thế.

    [​IMG]


    Lớn lên một chút, tôi biết đó là ngày Tết Trung nguyên – Xá tội vong nhân, là ngày các tội nhân trong địa ngục được ân xá lên dương gian. Vì thế gia đình, con cháu bày sắm cỗ bàn lễ tạ trời đất, thánh thần, cúng tế cho người thân của mình thọ thưởng và bố thí cho các vong linh không nơi nương tựa. Ngày đó bà kể, khấn cúng lễ xong, xôi và cháo hoa được rải ra khắp đường ngõ, bụi tre, gốc chuối để các “cô hồn” lên hưởng lễ. Trong đầu óc non nớt của bọn trẻ chúng tôi, đã tưởng tượng ra bao nhiêu là vong linh, âm cô với đủ hình thù đang lởn vởn. Bất giác nghe đâu đó tiếng húp cháo xùm xụp bên bờ, bên bụi, cũng đủ thấy mình run lên bần bật vì sợ hãi. Sợ, nhưng vẫn tò mò mà tưởng tượng. Sợ, nhưng vẫn mong mỏi được một lần nhìn thấy những hình hài lạ lẫm kia để thỏa cái tính hiếu kì. Giờ nghĩ lại, tiếng húp cháo xùm xụp ngày ấy, chẳng hay là của những “cô hồn” kia thật, hay chỉ là của một người tha hương đói lâu ngày gặp gì ăn nấy.

    [​IMG]


    Nhớ lại vẫn thấy gai gai người và thú vị. Nhưng tất cả bấy nhiêu đó thôi đã chìm vào giấc mơ tuổi thơ chúng tôi của những mùa thu, của những mùa Vu lan, của một tháng Bảy trời mưa trong như thế!

    Dần dà, lớn lên, ngoài 20 tuổi đời, chưa đủ để được gọi là trưởng thành, nhưng cũng đủ để những đạo nghĩa dần trở nên tường minh và sáng rõ. Tôi vẫn nhớ về những mùa Vu lan đã qua như là dịp để con người ta bày tỏ đức nhân, sự hướng thiện của mình như thế. Vu lan mỗi năm chỉ có một mùa, nhưng mong rằng, lòng nhân ái của con người theo năm tháng mà cứ mãi được bồi đắp như thế, giúp ta sống tốt hơn, thanh thản hơn giữa cuộc đời này...​



Chia sẻ trang này

Tin mới nhất