Smartphone đã hủy hoại tuổi thơ trẻ em thế nào?

Emily
  1. Lũ trẻ giờ đây bám víu vào công nghệ để tìm kiếm niềm vui. Nhưng đằng sau những niềm vui ấy, chúng mất đi cả tuổi thơ hồn nhiên.

    Không thể phủ nhận rằng thời đại ngày nay là thời đại công nghệ. Khắp nơi là những món đồ điện tử, từ rẻ cho đến đắt. Vật bất ly thân của con người bây giờ, quy chung đều về chiếc điện thoại. Thông tin cá nhân được lưu trên máy chủ, các dịch vụ ví điện tử, mua sắm trên mạng, đủ các kiểu phục vụ nhu cầu con người.

    [​IMG]


    Người lớn bây giờ thương con trẻ theo cách khác. Họ sợ đủ điều, họ sợ con ra ngoài chơi sẽ gặp tai nạn, họ sợ con nghịch bẩn sẽ có nhiều vi khuẩn (mặc dù ở nhà cũng nhiều vi khuẩn không kém), họ sợ con mình ra ngoài gặp bạn xấu sẽ bị bắt nạt. Thế là giải pháp tốt nhất họ nghĩ ra, đó là tống cho bọn trẻ một chiếc iPad, iPhone, máy tính và thế là chúng sẽ dính vào món đồ ấy cả ngày. Vừa an toàn vừa đỡ phiền phức.​


    [​IMG]


    Trẻ con giờ được tiếp xúc với công nghệ từ quá sớm. Chúng có thể bật Youtube nhoay nhoáy, lên mạng xã hội bình luận đủ loại nội dung, chơi điện tử còn giỏi hơn thanh niên 16, 17. Và nhất là, chúng có thể thành thạo 108 tuyệt kỹ chụp ảnh selfie từ khi chỉ mới là mấy đứa con nít ăn còn đợi bố đút, đi vệ sinh xong còn chờ mẹ vào dọn hộ.

    Cũng từ đây, tuổi thơ của chúng dần dần bị ăn mòn, rồi đến một thời điểm, mất đi hoàn toàn mà chẳng ai hay biết.

    Bọn trẻ bây giờ có thể thoải mái dõi theo từng động thái của thần tượng trên mạng xã hội. Từ Gigi Hagid, Kendall Jenner, Taylor Swift, đến Miley Cyrus, Nicky Minaj, nhất là những bé gái. Từ những bức ảnh, dòng Tweet, bài đăng của thần tượng, chúng dần định hướng bản thân làm sao để được giống như thần tượng của mình, kể cả tích cực hay tiêu cực.

    Rồi chúng được tiếp cận với góc tối của Internet, nơi cất giấu những bí mật, nơi hoành hành của đủ loại nội dung đồi truỵ mà ở thời cha mẹ chúng gần như chẳng ai dám nghĩ mình có thể "vẩn đục tâm hồn" sớm đến như vậy.

    Không khó để thấy những bé gái bây giờ trang điểm từng lớp phấn dày cộp, gắn lên mắt những miếng lông mi giả dày như cây chổi trang điểm, ưỡn ẹo đủ mọi tư thế chụp từng bức selfie đăng lên mạng xã hội. Khắp mọi ngõ ngách trên mạng là hàng triệu những phiên bản nhí của những biểu tượng gợi cảm thế giới.

    Người ta gọi vui chúng là "tuổi học sinh nhưng tâm hồn phụ huynh". Cười đùa thế thôi, nhưng ẩn sau ấy là cả một vấn đề nhức nhối mang tầm vóc toàn cầu, không chỉ dừng ở khiển trách gia đình hay giáo dục trên lớp.

    Bà Nancy Jo Sales, tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy ở Mỹ đã nghiên cứu về sự thay đổi tâm lý thiếu niên trong thời đại công nghệ truyền thông được một thời gian khá dài. Cuốn sách mới nhất của bà mang tên America Girls: Social Media and the Secret Lives of Teenagers (Nhưng cô gái nước Mỹ: Truyền thông và cuộc sống bí mật của các thiếu niên) đã khắc hoạ cuộc sống của một bộ phận các thiếu nữ đang đắm chìm vào mạng xã hội ảo.

    Trong cuốn sách của Nancy có nói về một cô gái có tên Padma. Padma sống ở Los Angeles, cô bé có nhiều ác cảm và thường xuyên chỉ trích thói chụp hình selfie phong cách gợi cảm không hợp tuổi của bạn bè đồng lứa.

    Một thời gian sau Nancy lại tiếp tục tìm về Facebook của Padma. Khoảng thời gian này Padma đã thay đổi. Nhiều hình ảnh của cô bé với lớp trang điểm đậm, tư thế chụp gợi cảm, dùng cả miếng độn ngực đã được đăng tải trong thời gian này. Số like cứ ngày càng tăng theo thời gian, và lớp áo của Padma thì lại ngày càng kéo xuống sâu hơn.​


    [​IMG]


    Padma đã giác ngộ được một chân lý mới trên mạng xã hội. Cô bé hiểu, cô bé biết điều ấy, cô bé chấp nhận mọi lời bình luận khiếm nhã, kể cả khi người ta gọi Padma là con nhỏ lẳng lơ. Cô bé tiếp nhận điều ấy hết sức nhẹ nhàng, thậm chí còn coi chúng như những lời khen.

    Cô bé Padma ấy cũng chỉ là một đại diện cho một bộ phận những cô gái đang bấu víu niềm vui trên mạng xã hội ảo hiện giờ. Không thiếu những trường hợp thiếu nữ gửi ảnh khoả thân cho bạn trai, đăng ảnh nóng lên mạng, sử dụng ứng dụng hẹn hò khi chưa đủ tuổi, trong máy điện thoại tràn ngập những bức ảnh chỉ nghĩ đến thôi, người lớn cũng có thể đỏ mặt.

    Công nghệ phát triển cũng kéo theo hệ luỵ về đạo đức lứa trẻ, hình thành một dạng thức bắt nạt, bạo lực mới, chính là "cyber bullying", hay còn gọi là bắt nạt trên mạng. Họ dễ dàng tô vẽ một câu chuyện không có thực, hoặc có một phần sự thật gói ghém trong cả lớp dày những mưu mô toan tính, đẩy chúng lên mạng rồi ngồi rung đùi nhìn nạn nhân đau đớn, bị tẩy chay, bị chửi rủa.

    Lâu dần, xã hội hình thành thêm một bộ phận được gọi là "những đứa trẻ ác quỷ", không ngần ngại hạ bệ bêu riếu bất kỳ ai chúng cảm thấy chướng mắt. Nếu như trước kia người ta có thể dễ dàng tìm ra đầu sỏ, thủ phạm trong cả tập thể thì ngày nay, bằng Internet, núp dưới danh nghĩa Nặc danh, chúng chẳng còn sợ hãi nữa.​


    [​IMG]


    Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, người lớn chúng ta cũng chẳng phải vừa. Một phần của thế giới đang dần trở thành nộ lệ của công nghệ, phụ thuộc, bám dính vào các thiết bị cả ngày không dứt. Họ gián tiếp dạy cho con cái thói quen tìm kiếm niềm vui từ mạng Internet, thay vì ngồi lại và cùng chia sẻ với cả nhà.

    Người lớn cũng có trách nhiệm trong hệ quả về một "tuổi thơ bị đánh cắp" này của con trẻ. Theo thống kê, một đứa trẻ Mỹ tròn 5 tuổi hiện nay có khoảng 1.000 tấm ảnh được những cặp bố mẹ trẻ chụp lại và đăng tải lên mạng xã hội. Chúng bị thế giới quan tâm ngay lúc còn chưa có tiềm thức, và từ từ hình thành thói quen "update" tình hình quá trình sống và lớn lên của chính mình.

    "Khi còn thiếu niên, anh trai chụp cho tôi một tấm hình rất cổ điển của thời thập niên 1970. Tấm ảnh đó là tôi ngồi trên xích đu, đang đọc sách. Tôi chẳng biết bây giờ tấm ảnh như thế có còn bình thường không nữa", bà Nancy Jo Sales chia sẻ.

    Bây giờ, vẫn còn những tấm hình như thế mà. Vẫn ngồi xích đu, vẫn đọc sách, có điều, ảnh là ảnh selfie mà thôi.

    Theo Kênh14/Trí Thức Trẻ


Chia sẻ trang này

Tin mới nhất