Smartphone Bphone chưa tạo bão thị trường như kỳ vọng

Bomer
  1. Những ngày gần đây, cư dân mạng ồn ào bàn tán về điện thoại Bphone mới “ra lò” của Tập đoàn công nghệ Bkav. Bphone được Bkav coi “siêu phẩm” made-in-Vietnam.

    Hoài nghi về chất lượng cộng với chính sách bán hàng chưa thực sự thu hút đã khiến Bphone "mất điểm" từ buổi ra mắt đầu tiên. Khảo sát thực tế thị trường từ khi Bphone chính thức bán hàng online lại cho thấy bức tranh trái ngược những đồn đoán, kỳ vọng.

    Tín đồ công nghệ thờ ơ…


    Bphone được ví như sản phẩm trí tuệ Việt với 3 phiên bản, thuộc phân khúc sản phẩm cao cấp. Chiếc Bphone 16GB có giá từ 9.990.000 đồng. Với phiên bản 64GB được bán ra 12.690.000 đồng, khách hàng có nhiều lựa chọn về màu sắc, bao gồm đen, trắng và sâm-panh. Riêng phiên bản này sẽ có thêm loại củ sạc nhanh giúp tiết kiệm thời gian sạc và vẫn đảm bảo độ an toàn, độ bền cho pin.​


    [​IMG]
    Hoài nghi về chất lượng cộng với chính sách bán hàng chưa thực sự thu hút đã khiến Bphone "mất điểm" từ buổi ra mắt đầu tiên.​


    Phiên bản đặc biệt Limited Edition mạ vàng 24k của Bphone có bộ nhớ trong 128 GB được bán ra với mức giá 20.190.000 đồng. Đây là giá niêm yết chưa có thuế VAT. Tập đoàn BKav kỳ vọng sẽ bán được 12.000 Bphone trong ngày đầu tiên chính thức phân phối. Trên thực tế, chỉ trong 2h đồng hồ đầu tiên khi mở bán ngày 2/6, sản phẩm này có con số đặt hàng lên gần 5.000 chiếc.

    Sau 1 ngày siêu phẩm smartphone Bphone đã được chính thức được bán tại các website chính thức của Bkav là vala.vnBkav.com.vn. thì thị trường thực tại các cửa hàng bán điện thoại, siêu thị trên địa bàn Hà Nội chỉ lác đác vài khách đến tìm hiểu sản phẩm. Thực tế, nhiều nhân viên bán hàng trong nghề vẫn chưa định hình về sản phẩm mới. Có không ít người tỏ ra thờ ơ với sản phẩm này.

    Chị Giang, quản lý cửa hàng Thế giới di động số 392 -396 Nguyễn Văn Cừ cho biết, lần đầu tiên nghe thấy hãng điện thoại này. Còn chị Lợi, nhân viên bán hàng của hãng Thế giới di động cho hay: “Vì đây là sản phẩm mới, nên rất ít khách hỏi mua. Cửa hàng thì chưa có bán. Còn trong tương lai có bán hay không thì phụ thuộc vào chiến lược của công ty”.

    Theo Nguyễn Khắc Viên, nhân viên bán hàng tại Siêu thị Nguyễn Kim, số 10B Tràng Thi, Hà Nội, rất ít khách hàng hỏi Bphone, cả ngày chỉ khoảng 3 người hỏi. Hiện tại chưa thấy có thông tin gì về nhập về bán. Nếu nhiều khách hỏi, anh sẽ tổng hợp và đặt hàng về bán cho khách.
    Hoài nghi chất lượng…

    Tại cửa hàng điện thoại Your phone 216 Xã Đàn, khách hàng ra vào tấp nập. Nhưng chủ yếu là mua điện thoại iphone. Khi hỏi về sản phẩm Bphone, anh Trung - nhân viên cửa hàng cho biết: “Dù Bphone được mệnh danh là sản phẩm trí tuệ Việt Nam, nhưng thực chất linh kiện lại nhập từ Trung Quốc mang về lắp ráp".

    Với những người trong nghề dễ dàng nhận thấy, chiếc main điện thoại tốt thường thì có màu đen, còn main của Bphone là màu xanh lá cây, cáp dẫn của máy lại là màu vàng, màu cam, y hệt màu Trung Quốc. Đó là chưa kể, mặt trước của máy trông giống hãng điện thoại oppo, mặt sau giống iphone 4. Khi thoáng nhìn qua sẽ nhầm tưởng là sản phẩm oppo”.

    Anh Trung cho biết thêm: “Thực tế, cùng một số tiền, khách hàng sẽ mua iphone 5s mới, hoặc sang iphone 6, thay vì Bphone rất mới và chưa có uy tín. Tâm lý khách hàng là sản phẩm có thương hiệu sẽ an toàn hơn, tránh lãng phí. Trong khi đó, Bphone chưa thấy có tính năng gì nội trội để thuyết phục người mua”.

    Theo giới sành công nghệ đánh giá, sản phẩm Bphone chưa thực sự đạt đến tầm 'đẳng cấp thế giới' như phía Bkav nhận định. Anh Bùi Văn Lộc (ngõ 38 Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) là một người dân đam mê công nghệ tâm sự: “Sản phẩm Bphone chưa chứng minh được tính trí tuệ Việt. Đơn cử, là sản phẩm này chưa có nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, nên rất khó thuyết phục khách hàng trong nước”.

    Ngoài ra, sản phẩm cũng bị nhiều người chê phí ship (vận chuyển) quá đắt, củ sạc "made in... China". Theo phản ánh, do phân phối sản phẩm qua kênh trực tuyến, Bkav áp dụng chính sách "dùng thử". Bkav áp dụng mức phí là 5% giá mua nếu khách hàng trả lại trong hai tuần đầu. Hai tuần tiếp theo, "tiền phạt" lên mức 10% giá mua và tăng lên 20% nếu khách hàng trả lại sau 6 tuần sử dụng.

    Thực tế, các website bán hàng trực tuyến thường không tính phí vận chuyển hoặc nếu có thì rất thấp. Với Bphone, khi đổi trả khách hàng sẽ mất 400.000 đồng cho 2 lần vận chuyển máy.

    Thêm vào đó, chính sách đổi trả được Bkav quy định rõ: “Khách hàng có quyền đổi, trả sản phẩm và lấy lại tiền, cụ thể: Đổi trả miễn phí trong 14 ngày, nếu sản phẩm lỗi (do nhà sản xuất); Trong vòng 14 ngày, khách hàng cũng có thể đổi trả nếu không thích, tuy nhiên để tránh các đơn hàng ảo Bkav sẽ thu phí đổi trả là 500.000 VNĐ”.

    Từ những hạn chế trên cho thấy, sản phẩm Bphone chưa thực sự “lấy lòng” được người tiêu dùng Việt.

    Theo VOV



Chia sẻ trang này

Tin mới nhất