Samsung và cuộc “khủng hoảng lợn” tại Việt Nam

Emily
  1. Thoạt đọc qua tít bài báo "Bộ trưởng Nông nghiệp đề nghị Samsung Việt Nam "giải cứu" thịt heo", không tránh khỏi phì cười.

    Nhưng ngẫm lại, trong tình trạng khủng hoảng thừa lợn một cách trầm trọng hiện nay, sự cầu cứu của ông bộ trưởng dù chỉ là giải pháp tình thế nhưng cũng có ý nghĩa thiết thực.

    Điều khiến người đọc dễ phì cười là một đại gia công nghệ hàng đầu như Samsung cũng có lúc được khẩn cầu giúp chung tay giải cứu cuộc khủng hoảng về lợn tại Việt Nam. Đó là vì chúng ta nghĩ theo tư duy tách bạch ngành nghề chứ trên thực tế luôn tồn tại một sự liên quan dù ít hay nhiều, thấp hay cao.​


    [​IMG]
    Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đề nghị Samsung giải cứu khủng hoảng thừa lợn. Ảnh: Hiếu Công/Zing

    Samsung Việt nam hiện có tổng cộng 5 pháp nhân, với tổng số lao động là 110.000 người, trong đó tổ hợp sản xuất gồm nhà máy Samsung Thái Nguyên và Samsung Bắc Ninh sử dụng tổng cộng 102.000 lao động (62.000 + 40.000). Hiện, với 110.000 lao động, mỗi ngày Samsung Việt Nam cần đến 160.000 suất ăn, trong đó tiêu thụ: 16,9 tấn gạo; 20,1 tấn rau; 11 tấn thịt, cá; 10,5 tấn dưa hấu; 30.979 quả trứng…​


    Như vậy có thể thấy, Samsung Việt Nam là một khách hàng "khủng" của các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm và người nông dân Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng thừa lợn đang diễn ra, con số được trông chờ điều chỉnh chính là mức tiêu thụ 11 tấn thịt, cá mỗi ngày của Samsung Việt Nam. Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Bắc Ninh - ông Han Myoung Sup - cho biết hiện mỗi ngày doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 100 con lợn có trọng lượng 50kg/con. Con số này tương đương khoảng 5 tấn lợn hơi, tính ra thịt chế biến thì mới chỉ chiếm khoảng 35-40% tổng lượng thịt, cá tiêu thụ hàng ngày của Samsung Việt Nam. Tỉ lệ này hoàn toàn có thể điều chỉnh tăng lên, theo đó rõ ràng Samsung có một vai trò quan trọng và tích cực trong việc chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng thừa lợn tại Việt Nam.​


    [​IMG]
    Mỗi ngày Samsung tiêu thụ khoảng 5 tấn lợn hơi

    Trong nền sản xuất tại Việt Nam hiện nay, một số thương hiệu, tổ hợp sử dụng nhiều lao động nhất có thể kể tên như Samsung, Pou Yuen, Foxconn… Những tổ hợp này chắc chắn tiêu thụ số lượng lớn nông sản, thực phẩm cho các doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam. Một khi Samsung cam kết chung tay giải cứu cuộc khủng hoảng lợn, doanh nghiệp này sẽ điều chỉnh tăng tỉ lệ thịt lợn chế biến trong suất ăn của công nhân. Việc này sẽ giúp tiêu thụ thịt lợn nhiều hơn, chứ chưa thể chắc rằng góp phần điều chỉnh tăng được giá mua lợn hơi cho người nông dân hay các doanh nghiệp chăn nuôi.

    Thường thì những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn như Samsung luôn tìm kiếm các nhà cung ứng một cách ổn định và bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ những nhà cung ứng này đến người chăn nuôi, có khi còn phải qua nhiều tầng nấc trung gian. Và vấn đề ở đây là, cho dù Samsung rồi đến Pou Yuen, Foxconn… ra tay giải cứu lợn thừa, thì liệu giá lợn hơi của bà con nông dân có tăng lên được hay không hay cũng chỉ quanh quẩn ở mức từ 4-5 cốc trà đá 1 kg (từ 11.000-17.000 đồng/kg). Theo lôgíc này thì hai vấn đề cần tách bạch: Samsung chỉ quan tâm đến chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, và mức giá từ nhà cung ứng; còn nhà cung ứng sẽ quyết định giá mua lợn hơi từ người chăn nuôi hay doanh nghiệp và có lẽ Samsung chẳng "dại" gì lại đi can thiệp vào việc này.

    Theo qui luật cung - cầu trên thị trường, khủng hoảng thừa thì tất yếu giá hàng hóa đó sẽ bị giảm và giảm mạnh. Nhưng ở Việt Nam, người nông dân còn hứng chịu thiệt hại nặng nề hơn bởi giới thu mua trung gian là các thương lái và doanh nghiệp đầu mối cung ứng thực phẩm/suất ăn thường hay đè giá, ép giá và trong lúc lợn bị khủng hoảng thừa thì họ cũng chẳng dại gì không "thừa gió bẻ măng" để có lợi nhuận nhiều hơn.

    Những ngày qua, tình trạng giá 1kg lợn hơi chỉ bằng 4-5 cốc trà đá đang khiến người chăn nuôi điêu đứng nhưng các bà nội trợ đi chợ cho biết giá thịt lợn vẫn không rẻ được là mấy. Cụ thể ra bằng con số thì, giá lợn hơi giảm trên dưới 50% trong khi giá thịt lợn chỉ rẻ được 3.000 đồng/kg.

    Việc ông Bộ trưởng Nông nghiệp làm việc với Tổ hợp Samsung Bắc Ninh ngày 28/4/2017 nhờ giải cứu lợn thừa là rất đáng ghi nhận nhưng không giải quyết được cái gốc vấn đề. Bởi cuộc khủng hoảng thừa lợn hiện nay đã nằm trong… chuỗi khủng hoảng thừa triền miên hàng chục năm qua của nông sản Việt trên diện rộng chứ không chỉ nằm trong giới hạn ngày một ngày hai phạm vi cục bộ.​


    Tinh thần là sẵn sàng chung tay góp sức giải cứu lợn thừa giúp người chăn nuôi nhưng không thể hồn nhiên theo lời kêu gọi "tăng cường ăn thịt heo nhiều hơn, thay đổi thói quen ăn thịt nóng (nghĩa là khi vừa giết mổ xong)" bằng cách "tăng cường ăn thịt đông lạnh hoặc đã qua chế biến" được. Thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe. Người lao động ăn quá nhiều thịt, ngán, nuốt không trôi, thì lấy đâu ra sức khỏe để làm việc? Tại sao cứ kêu gọi người tiêu dùng ăn thịt nhiều hơn, tăng cường ăn thịt đông lạnh, thịt chế biến, rất mâu thuẫn với những tư vấn về sức khỏe dinh dưỡng? Không khéo rồi lại có một cuộc "giải cứu" thứ hai – cuộc "giải cứu" sức khỏe cho những người ăn quá nhiều thịt.

    Theo Zing


Chia sẻ trang này

Tin mới nhất