[Review] Tom Clancy's The Division - Khi Diablo nghiện khói súng

Hard
  1. Tổng

    9.5/10

    Đồ họa
    Âm thanh
    Gameplay
    Cộng đồng
    Cấu hình

    Tom Clancy's The Division quả thực là một tựa game chất nhất mà cộng đồng game thủ PC/Console đón nhận trong quãng thời gian nửa đầu 2016.

    Nhìn về quá khứ kể từ lúc còn bé cho đến khi biết tới những chiếc máy chơi game, người viết dường như có rất ít quãng thời gian được thật sự đắm chìm vào một thế giới ảo nào đó. Cảm giác háo hức, mong muốn được khám phá những điều mới, bước chân vào một nơi chốn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng hàng giờ liền... có lẽ chỉ hiện diện trong những cái tên như Grand Theft Auto, Dragon Age: Origins hay Skyrim.

    Nhưng nhìn về xa hơn nữa trước khi công nghệ đồ họa đạt đến đẳng cấp ngày nay, trước khi thế giới ảo có thể thỏa sức sức sáng tạo với phần cứng tân thời, có một cái tên vượt qua tất cả những ví dụ vừa kể đến.... đó chính là Diablo II. Trong suốt 16 năm kể từ khi bước chân đầu tiên trên lãnh địa ảo, chẳng có tựa game có thể đạt đến tầm như đứa con của Blizzard North, chẳng có một quả bom tấn nào đủ sức để khiến game thủ nhập tâm từng giờ từng phút vào thế giới ảo như Diablo II. Cột mốc ấy đã, đang và sẽ chẳng bao giờ bị xô đổ.

    [​IMG]


    Tom Clancy's The Division - đại diện mới nhất dưới tay Ubisoft, cũng chẳng thể nào lật đổ được thành tựu ấy, chưa nói tới việc hai cái tên đi theo hai con đường hết sức khác nhau, khiến sự so sánh càng trở nên khập khiễng. Tuy nhiên, The Divisionlại làm được cái điều mà ít những tên tuổi đi trước làm được, đó là bắt lại cái thần thái của Diablo II, mang tới mãnh lực điên cuồng cuốn người chơi vào thế giới ảo mãi mãi chẳng thể dứt dời.

    New York những tháng ngày hậu tận thế

    Hãy hỏi mọi người thứ gì mà họ luôn có trong người? Đó chắc chắn là tiền. Dù ít dù nhiều, tiền vẫn là vật bất ly thân với mỗi con người trong số chúng ta. Và chính vì thế, tiền trở thành công cụ cho một thế lực ẩn danh truyền đi căn bệnh chết người vào "ngày thứ 6 đen tối", thời điểm dân cư New York đô xô đi mua hàng hóa giá hời. Ngay lập tức, đại dịch mang tên "thuốc độc xanh" lây lan không thể kiếm soát, cướp đi tính mạng biết bao con người và đánh gục mọi bộ máy điều hành tại thành phố.

    [​IMG]


    Ngay lập tức, chính phủ Mỹ quyết định kích hoạt chương trình đặc vụ mật thuộc Phòng tác chiến nội địa (gọi tắt là The Division), trợ lực cho Lực lượng đặc nhiệm liên quân để đảm bảo trật tự và tìm hiểu nguyên nhân gây ra đại dịch. Trước khi kích hoạt, tất cả những đặc vụ thuộc The Division đều có cuộc sống và công việc như cư dân bình thường, nhưng khi nhận lệnh họ sẽ trở thành những người lính đặc nhiệm với khả năng tác chiến cao, trở thành con át chủ bài trong cuộc chiến mang New York trở về với bình yên.

    Nhưng cũng nhanh như khi chương trình The Division kích hoạt, lực lượng đặc vụ đầu tiên biến mất không một dấu vết. Đứng trong hàng ngũ đặc vụ được kích hoạt vào giai đoạn hai, game thủ sẽ hành trình giữa New York hoang tàn, lật tìm dấu vết của những người anh em mất tích và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến "chất độc xanh".


    Trailer game Tom Clancy's The Division.


    Bão đạn ngập đầu

    Bước chân vào The Division, người chơi ngay lập tức ném mình vào những màn đọ súng hừng hực sức nóng kết hợp với khả năng di chuyển sau vật chắn và sử dụng công nghệ trợ chiến tối tân. Mỗi lẫn bóp cò súng bạn sẽ cảm nhận được sự chắc nặng, giật lắc theo mỗi loạt đạn, sát cánh cùng những âm thanh đanh thép tách biệt hoàn toàn giữa súng lục, súng trường tấn công, súng máy bán tự động và súng bắn tỉa.

    [​IMG]


    Song hành bên cạnh đó, game thủ còn được đặt tay lên hệ thống công nghệ trợ chiến, hoạt động như những bộ "skill" trong dòng game nhập vai. Có ba chủng loại cho game thủ tùy nghi lựa chọn là Medical -Cứu thương, Tech - Công nghệ và Security - An ninh. Mỗi nhánh sẽ mang những kỹ năng hoàn toàn chuyên biệt, phục vụ cho từng phong cách chiến đấu của game thủ. Ở đó, bạn có thể hồi thương cho bản thân cũng như đồng đội, tung trụ súng tự động và ném mìn tìm mục tiêu, hoặc trở thành chốt chặn không thể suy chuyển với khiên chắn tách rời.

    Hệ thống này còn tiếp tục đi sâu hơn nữa với cơ chế tùy chỉnh mod, biến hóa theo nhu cầu của người chơi như thêm cho quả mìn thông thường khả năng nhả khí gây ngạt hay phóng lửa, sử dụng túi cứu thương thiên về tốc độ hồi máu hay vực dậy đồng đội không may gục ngã trên chiến trường. Tuy số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng mỗi nhánh kỹ năng đều có sự tách biệt cực kỳ rõ ràng, kết hợp với khả năng tùy chỉnh chuyên sâu cho từng nhánh, trở thành xương sống của The Division trong hệ thống chiến đấu vốn đã vượt tầm của game.

    [​IMG]


    Chưa hết, điều chính yếu giúp The Division bắt được cái hồn của Diablo II chính là hệ thống vũ khí và trang bị. Mỗi đặc vụ trước khi bước chân vào chiến trường sẽ sở hữu ba vũ khí khác nhau là súng chính, súng phụ và súng lục (tuy có thể thay đổi thành shotgun 2 nòng), bên cạnh hệ thống trang bị bao gồm áo giáp chống đạn, găng tay, ba-lô, bảo vệ đầu gối, mặt nạ và đai súng. Mỗi loại sẽ lại được lượm nhặt, tặng thưởng hay mua bán với vô vàn những kiểu dáng, cấp độ và chỉ số, song hành với các món quần áo, mũ nón cho việc thay đổi ngoại hình... thả sức cho chúng ta thay đổi đặc vụ của mình theo từng chi tiết nhỏ nhất.

    [​IMG]


    Đó là còn chưa kể đến mỗi khẩu súng đều có thể "chế" với ống ngắm, băng đạn, nòng súng, bộ phận phụ trợ hay thậm chí là cả lớp sơn bên ngoài, tất cả như ném người chơi vào một hố đen không hồi kết với hàng trăm ngàn những khả năng khác nhau trong tầm tay.

    Sải bước đủ lâu trong The Division, người chơi sẽ bắt đầy thấy ngợp với những món đồ từ không màu vô cảm cho đến xanh lá, xanh lam, tím hay vàng cam - đại diện cho từng cấp độ quý hiếm của vũ khí và trang bị. Cảm giác thổi tung thân xác kẻ địch để rồi hiện ra trước mắt những cột sáng đầy màu sắc hiển hiện trên nền đất, sẽ khiến bất cứ ai cũng phải bước mãi.. bước mãi vào những con đường hoang vu hay tử địa chiến trường giữa lòng thành phố.

    Tử thủ giữa chiến địa PvP

    Bỏ lại những màn chiến đấu trước quân đoàn máy vô hồn lại đằng sau, Dark Zone của Tom Clancy's The Division là một chiến trường đúng nghĩa cho người chơi thử thách bản thân mình. Là điểm lây nhiễm nặng nề và sở hữu những dạng kẻ thù nguy hiểm bậc nhất, nhưng Dark Zone lại chứa đựng các trang bị cực kỳ giá trị dễ thường chẳng bao giờ tìm thấy ở phần còn lại của New York. Nhưng thử thách ở chỗ nếu muốn mang những món đồ khó nhọc kiếm tìm kia ra khỏi Dark Zone, bạn không thể cứ thế bước chân ra khỏi cửa.

    Vì là khu vực lây nhiễm nặng nề nên những món đồ mà chúng ta kiếm được cần phải tiến hành khử trùng, và cách duy nhất là gọi trực thăng đến. Trong suốt quãng thời gian 1 phút 30 giây để trực thăng đến điểm tập kết và thêm khoảng chục giây nữa để mang hàng đi, bạn sẽ phải tử thủ đến cùng nếu không muốn tất cả trở thành công cốc.

    [​IMG]

    Tại đây, mối hiểm họa có thể đến từ các đối thủ máy dai sức với số lượng áp đảo - điều có thể dễ dàng ngăn chặn được nếu bạn đi thành một nhóm. Nhưng đó không phải là tất cả vì mối đe dọa còn đến từ chính những người chơi khác. Chính thức trên giấy tờ, tất cả game thủ bước vào Dark Zone đều chung một phe, nhưng chẳng có gì ngăn cản bạn hay một ai đó xa lạ ngoài kia nổi lòng tham và quyết định phản bội The Division. Tất nhiên mọi thứ đều có hai mặt của nó.

    Nếu trở thành đặc vụ phản bội ("Rogue Agent" với biểu tượng đầu lâu trên vai) bạn sẽ có cơ hội lấy được những món đồ quý giá từ xác của đối phương, nhưng đồng thời cũng sẽ trở thành mục tiêu di động cho những game thủ khác tại Dark Zone. Đầu tiên, bạn sẽ bị đánh dấu trực tiếp trên bản đồ, chẳng khác nào một cột đèn báo hiệu thu hút cho đàn cá mập xung quanh kéo tới. Tuy nhiên nếu mang đủ tự tin và sức mạnh, bạn có thể tiếp tục con đường phản bội của mình, đẩy nguy cơ mất điểm kinh nghiệm và tiền bạc (đơn vị riêng của Dark Zone, khác với loại thường) khi bị người khác hạ gục.. nhưng đồng thời sẽ nhận phần thương cao hơn nếu vượt qua tất thảy.

    [​IMG]


    Chính vì thế, Dark Zone mang tới một bầu không khí cực kỳ căng thẳng và kịch tính cho bất cứ ai tham gia với nỗi lo sợ trước nguy cơ tiềm ẩn mọi lúc mọi nơi. Nhưng chỉ cần thấy cảnh trực thăng cất cánh và âm thanh thông báo nhận hàng thành công thôi, cái thở phào nhẹ nhõm kèm theo niềm vui sướng khó tả sẽ lập tức xâm chiếm tâm trí bạn, tạo nên một trải nghiệm đặc biệt và đáng nhớ hàng nhất trong The Division..

    Đồ họa ngây người - Giết chết mọi ánh mắt

    Có lẽ lời chỉ trích nhiều nhất mà Tom Clancy's The Division nhận phải chính là việc tinh giản đồ họa so với lần đầu đánh tiếng tại E3 2013. Nhưng đừng vì thế mà coi nhẹ chất lượng hình ảnh của The Division, vì đây vẫn là một trong những tựa game sở hữu đồ họa đẹp nhất vào thời điểm hiện tại. Những con phố kéo dài ngập tuyết trắng với xác xe bỏ hoang, những tòa nhà kính chọc trời khiến ta phải nheo mắt dưới ánh nắng vàng, những túi đựng phế thải chất ngang đầu với đâu đó bóng người tập tễnh, lần mò thức ăn.... tất cả tạo nên một khung cảnh cô quạnh, tan thương... nhưng đẹp và chân thực đến vô cùng.

    [​IMG]


    Chi tiết còn là điều mà The Division thực hiện vô cùng xuất sắc. Giương súng bắn vào chiếc ô-tô bên đường, bạn có thể làm lốp xe nổ tung, dập nát cửa kính, vỡ tung đèn hậu hay thậm chí bung cả cửa sau. Sải bước trên con đường bạn có thể gặp một vài chú chó hoang bỗng giật mình bỏ chạy khi nghe tiếng súng hay dân cư lảng tránh nếu thấy bóng người mang vũ khí tới gần... tất cả tuy chỉ là một vài tiểu tiết nhưng lại thổi sức sống mạnh mẽ vào thành phố chết mang tên New York.

    Tom Clancy's The Division hẳn nhiên vẫn còn nhiều bất cập, nhưng cốt truyện chưa đủ bám sát, kẻ địch thiếu nhạy bén trong khi số lượng nhiệm vụ nhiều nhưng có đôi phần lặp lại, nhưng thế mạnh áp đảo của tựa game thừa sức để đưa đẩy bạn sải bước vào chiến trường, để rồi dành hàng giờ hàng giờ liền không nghỉ chỉ để nghiến ngấu hương vị lôi cuốn đến điên người của game.​



Chia sẻ trang này

Tin mới nhất