Quảng cáo lừa bạn mua smartphone mới theo cách nào? (P.1)

Bomer
  1. Các nhà sản xuất và các công ty quảng cáo rất thích mang các thông số ra để làm mờ mắt người dùng. Song, cuối cùng thì nhu cầu thực sự của bạn cũng sẽ có giới hạn, và sớm hay muộn những chiếc điện thoại siêu cao cấp có thông số "khủng" cũng sẽ vượt qua giới hạn cảm nhận của con người.

    Các nhà sản xuất sẽ luôn tìm ra những từ ngữ mĩ miều nhất để thu hút bạn đến với sản phẩm của họ. Song, "8 nhân" hay "20MP" hay 4K có nghĩa là gì, và tất cả các thông số này có ý nghĩa với bạn hay không?


    Marketing đã trở thành một chiến trường quan trọng hơn cả công nghệ


    Sự vươn lên mạnh mẽ của Samsung cũng như vị thế mờ nhạt của các hãng có chất lượng tương đồng như Sony, LG và HTC đã mang đến một bài học rất quan trọng: trong một lĩnh vực có mức độ cạnh tranh khốc liệt như smartphone, sức mạnh quảng cáo sẽ làm nên tất cả. Chính bởi điều này mà các nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà sản xuất Android, đã khởi động nên một cuộc chiến cấu hình không ngừng nghỉ. Trong năm nay, những từ khóa "hot" nhất khi mua điện thoại là "8 nhân", "20MP", màn hình "2K" và "4GB RAM". Bạn có thể không thực sự hiểu rõ những thông số này có nghĩa là gì, nhưng hiếm ai có thể đi qua một tấm bảng quảng cáo "màn hình 2K siêu sắc" mà không ngoái lại đọc tên sản phẩm.

    Nhưng dĩ nhiên là không ai muốn bị lừa phỉnh. Hãy cùng điểm qua các thông số mà các nhà sản xuất thường xuyên dùng để làm mờ mắt người dùng, khiến họ bỏ tiền ra mua những tính năng họ không thực sự hiểu hoặc không thực sự cần tới.

    Lõi đôi, lõi tứ hay lõi tám?

    [​IMG]


    Bạn chắc chắn đã từng bắt gặp các cụm từ này. Phần lớn các mẩu quảng cáo dành cho Galaxy S6 đều đề cập đến "vi xử lý 8 nhân" ("octa-core") của máy. Khi "2 nhân" và "4 nhân" đã trở nên quá... tầm thường, con số 8 nhân thực sự là một thành tựu đáng chú ý. Nhưng "8 nhân" thực sự có ý nghĩa là gì? Liệu số nhân tăng gấp đôi có giúp trải nghiệm của bạn trở nên thực sự khác biệt?

    Câu trả lời là "không nhiều". Ít nhất là tại thời điểm này.

    Trong khi chúng ta sẽ có rất nhiều điều để nói về vi xử lý, thông tin quan trọng nhất mà bạn cần biết vẫn sẽ gói gọn lại như sau: chừng nào các ứng dụng còn chưa tận dụng được số lượng nhân "khủng" thì chừng đó các vi xử lý 8 nhân vẫn còn chưa phát huy được hết sức mạnh. 4 nhân hay 8 nhân sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa khi các nhà phát triển chịu tối ưu phần mềm của họ cho toàn bộ số nhân có trên vi xử lý.

    Và vì sao một chiếc smartphone 8 nhân sẽ chưa mang lại hiệu quả đầu tư tối đa ở thời điểm hiện tại? Câu trả lời là bởi phần lớn các ứng dụng smartphone ngày nay vẫn mới chỉ được tối ưu cho 2 nhân.

    Thậm chí, số lượng ứng dụng tối ưu cho vi xử lý lõi tứ cũng vẫn còn tương đối hạn chế. Các tựa game di động có đồ họa ấn tượng sẽ là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chạy đua vi xử lý, nhưng thông thường thì phần GPU (xử lý đồ họa) sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn là số nhân CPU.

    Đó là còn chưa kể các kiến trúc vi xử lý hiện đại hơn, mạnh mẽ hơn cũng sẽ giúp tạo ra hiệu năng tốt hơn. Ví dụ điển hình có thể kể đến chip di động của Intel. Các dòng SoC Intel Atom 4 nhân cao cấp hoàn toàn có thể đánh bại các dòng SoC 8 nhân tầm trung đến từ MediaTek.

    [​IMG]
    Vi xử lý "lõi 8 thực thụ" đầu tiên trên thế giới của MediaTek lại có hiệu năng không bằng các vi xử lý lõi tứ của Qualcomm

    Một thông tin khác mà bạn cần lưu ý tới là loại kiến trúc của vi xử lý. Kiến trúc big.LITTLE của ARM thường bao gồm 2 bộ vi xử lý trên một SoC (System-on-a-Chip: chip di động tích hợp tất cả các bộ phận cần thiết như CPU, GPU, modem...), trong đó mỗi vi xử lý sẽ bao gồm 4 nhân. Trong số 2 vi xử lý này, 1 vi xử lý sẽ có hiệu năng cao hơn để tối ưu cho các ứng dụng nặng ký (chơi game, nén video...), vi xử lý còn lại sẽ được kích hoạt với các tác vụ ít đòi hỏi hơn (lướt web, nghe nhạc) nhằm tối ưu thời lượng pin. Chỉ 1 trong số 2 vi xử lý này được kích hoạt tại một thời điểm nhất định, do đó trong trải nghiệm thực tế, các vi xử lý big.LITTLE có 8 nhân như chip Exynos vẫn có thể thua kém các vi xử lý Snapdragon 4 nhân.

    Với chip 8 nhân "thực thụ", chúng ta vẫn sẽ phải trở lại với câu hỏi: Bao giờ thì các nhà phát triển mới chịu ra mắt ứng dụng tối ưu cho chip 8 nhân?

    Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, bạn không cần phải nắm biết tất cả các khái niệm về vi xử lý di động. Có thêm hiểu biết sẽ là rất đáng mừng, nhưng nhìn từ góc độ người tiêu dùng, yếu tố duy nhất đáng quan tâm tới vẫn là mức độ mượt mà của smartphone khi chạy các ứng dụng nặng ký. Để tìm được một chiếc smartphone ưng ý, bạn chỉ cần đến cửa hàng và tự trải nghiệm tựa game ưa thích của mình. Bạn hoàn toàn có thể cảm thấy bất ngờ khi nhận ra rằng sự khác biệt giữa chiếc iPhone 6 (2 nhân), Galaxy Note 4 (phiên bản Snapdragon 805, 4 nhân) và Galaxy S6 (8 nhân) là không nhiều.

    RAM có quan trọng không?


    Dĩ nhiên là RAM có quan trọng, nhưng đôi khi, vai trò của loại bộ nhớ này lại bị thổi phồng quá đáng. Hãy cùng điểm qua trang web so sánh Galaxy S6 với iPhone 6 do Samsung cung cấp:

    [​IMG]


    Chúng ta sẽ tạm để dành các thông số độ phân giải màn hình và số "chấm" của camera tới phần sau của bài viết. Nhưng, trong khi sự khác biệt về màn hình và camera vẫn có thể có ý nghĩa đối với người tiêu dùng, so sánh dung lượng RAM của Galaxy S6 và iPhone 6 là một hành động vô cùng... ngớ ngẩn. Lý do là bởi phép so sánh phía trên không hề xét tới hệ điều hành của thiết bị, Android rõ ràng là cần nhiều RAM hơn iOS. Nếu iPhone 6 cũng chạy Android, chiếc điện thoại này chắc chắn sẽ mang lại một trải nghiệm vô cùng ì ạch, bởi dung lượng 1GB RAM sẽ khiến cho các ứng dụng Android liên tục bị treo, khởi động lại, hoặc liên tục bị chậm giật trong quá trình chạy.

    Nhưng iPhone (hiển nhiên) không sử dụng Android. Hệ điều hành iOS có cơ chế đa nhiệm hoàn toàn khác biệt so với Android, giúp cho các ứng dụng có thể tiết kiệm tối đa bộ nhớ khi bị đẩy xuống dưới nền.

    [​IMG]


    Cũng giống như thông số vi xử lý, thông số RAM không phải là yếu tố duy nhất quyết định tới trải nghiệm đa nhiệm nói riêng và trải nghiệm hệ điều hành nói chung. So sánh dung lượng RAM giữa các thiết bị chạy các hệ điều hành khác nhau (iOS, Android và Windows Phone) sẽ là hoàn toàn vô nghĩa.

    Thậm chí, với riêng Android, dung lượng RAM 2GB vẫn là khá đủ cho các tác vụ hàng ngày và cả các tựa game di động có đồ họa đỉnh cao ở thời điểm hiện tại. Lời khuyên mà chúng tôi dành cho bạn vẫn sẽ là: hãy tự trải nghiệm sản phẩm ở tầm giá mong muốn, và nếu như ngay cả các tựa game ưa thích của bạn cũng không thể thử thách được chiếc smartphone đó, đừng quá bận tâm xem dung lượng RAM là 2GB, 3GB hay 4GB.

    (còn tiếp)
    Theo VnReview



Chia sẻ trang này

Tin mới nhất