Quận 1 lập Facebook cho hàng rong buôn bán

Emily
  1. Trang fanpage dự kiến hoạt động từ tháng 4, được kỳ vọng hỗ trợ các hộ bán rong chuyển đổi kinh doanh, song lại nhận được nhiều nghi ngại từ chính người trong cuộc.

    Từ giữa tuần này, trên mạng xã hội Facebook bắt đầu xuất hiện trang fanpage có tên “Ẩm thực Quận 1” với nội dung còn khá sơ khai. Ông Lâm Ngô Hoàng Anh - Chánh Văn phòng UBND quận 1 (TP HCM) cho biết trang fanpage nêu trên do chính cơ quan này lập, nhằm quảng bá sản phẩm cho những người hiện bán hàng rong, bán trên vỉa hè và cả những hộ có tay nghề ẩm thực... Đây được xem là những người chịu ảnh hưởng lớn khi chính quyền quận thực hiện các biện pháp chống tình trạng lấn chiếm vỉa hè thời gian qua.

    Cũng theo ông Hoàng Anh, fanpage hiện mới trong giai đoạn xây dựng và sẽ sẵn sàng hoạt động trong tháng 4. Hiện cơ quan chức năng đang kêu gọi Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn quảng bá địa chỉ này trên mạng. Đây cũng sẽ là lực lượng hỗ trợ các hàng rong tạo trang Facebook riêng để bán sản phẩn và làm thành viên của trang “Ẩm thực Quận 1”.

    Cách làm này được lãnh đạo quận đánh giá là không tốn mặt bằng kinh doanh, không lấn chiếm vỉa hè, ổn định trật tự đô thị và giải quyết được các lao động nhàn rỗi trong gia đình để đi giao hàng. Những người tham gia sẽ được kiểm tra an toàn thực phẩm, được tập huấn...

    [​IMG]
    Trang Fanpage "Ẩm thực Quận 1" vừa được tạo và đang trong quá trình xây dựng.

    Tuy nhiên, theo khảo sát của VnExpress chiều 23/3, chưa nhiều người bán hàng rong và bán trên vỉa hè tại quận 1 biết được thông tin này. Khi được mô tả cách thức tham gia, một số người vẫn băn khoăn về tính khả thi.

    Phạm Thị Mai (75 tuổi), bán chè tại khu vực Sài Gòn Square, cho biết mới chỉ nghe đến kế hoạch tập trung hàng rong về các điểm cố định. Bà cho rằng, với gánh chè vốn 400.000 đồng, tiền lời khoảng 150.000 đồng mỗi ngày, quy mô kinh doanh của bà quá nhỏ để có thể nhận một suất vào kinh doanh tại điểm tập trung. Sau khi biết thông tin về bán qua mạng, bà vẫn không lạc quan hơn. “Bán mấy chén chè, ngồi ở góc cây, mấy cô nhân viên trong chợ thấy thương hay ra mua chứ bán qua mạng ai mua. Mà mắt mũi bà kém lắm, ai gọi điện thoại đến thì nghe chứ không bấm số được, không gọi ai được”, bà Mai chia sẻ.

    Chị Cúc – một người bán chuối nướng ở khu vực chợ Bến Thành cho hay đã biết đến kế hoạch bán hàng rong qua mạng. Tuy nhiên, chị lo lắng vì gia đình đơn chiếc, không ai giao hàng nếu có người đặt mua. Đồng quan điểm, một số người bán trái cây ướp lạnh và bánh tráng trộn ở khu vực Hồ Con Rùa khẳng định thu nhập chính của họ là nhờ khách vãng lai. Thông tin về việc bán qua mạng khiến họ chưa yên tâm về nguồn khách và thu nhập so với hiện tại.

    Tuy nhiên, theo ông Lâm Ngô Hoàng Anh, mô hình kinh doanh qua mạng hoàn toàn không mới. Sau khi “Ẩm thực Quận 1” vận hành chính thức, trang này sẽ được giao về Quận đoàn quản lý. Giai đoạn đầu, chính quyền không có tham vọng kêu gọi tất cả người bán hàng rong lập Facebook để bán hàng. Đoàn thanh niên từng phường sẽ chỉ chọn ra vài món ăn tiềm năng nhất để thí điểm. Khi nhận thấy được hiệu quả, những người còn lại sẽ tự nguyện tham gia. Ông khẳng định các khó khăn về công nghệ đều có lực lượng Đoàn viên hỗ trợ. Người tham gia chỉ cần có số điện thoại để người mua gọi đến đặt hàng. Kể cả không có người giao thì Đoàn viên cũng hỗ trợ được.

    Các nhóm Đoàn viên sẽ hỗ trợ cho bà con từ việc tạo tài khoản Facebook đến trình bày, chụp ảnh món ăn. Hiệu quả của mô hình ở chỗ, một cô bán chuối chiên lâu năm ở phường Cầu Ông Lãnh thì chỉ có vài người đi chợ mua được. Trong khi bán qua mạng thì cô có thể bán nhiều hơn vì được nhiều người biết, không phải ra đường và lấn chiếm vỉa hè. Đồng thời, kinh doanh trên mạng thì tất cả đều đặt hàng, mình làm số lượng theo đặt hàng thì chủ động và hiệu quả hơn”, ông Hoàng Anh dẫn chứng.

    Hỗ trợ người bán hàng rong kinh doanh qua mạng là một trong các giải pháp được Phó chủ tịch UBND TP HCM - Trần Vĩnh Tuyến gợi ý gần đây, bên cạnh các hoạt động như chuyển đổi ngành nghề, thành lập các điểm bán hàng rong hợp pháp. Không chỉ có quận 1, quận 5 và Thành đoàn TP HCM cũng đang bắt tay nghiên cứu giải pháp hỗ trợ người bán hàng rong, bán trên vỉa hè có thể kinh doanh qua mạng.

    Song song đó, quận 1 cũng vừa được thành phố chấp thuận thí điểm cho bán hàng rong hợp pháp tại đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp. Tuy nhiên, giai đoạn đầu chỉ có 35 hộ tham gia thí điểm - con số khá ít so với lượng người đang tham gia bán hàng rong và bán trên vỉa hè tại quận 1.

    Theo VnExpress


Chia sẻ trang này

Tin mới nhất