Những tựa game gần như “không thể đánh bại” ở chế độ siêu khó

Phiêu Vũ
  1. Có những tựa game với chế độ siêu khó chỉ được làm ra để thử thách sự bình tĩnh và kiên gan của game thủ cũng như… độ bền của thiết bị chơi game mà bạn sở hữu.


    Trò chơi điện tử được tạo ra để phục vụ cho việc giải trí. Chúng thường đặt ra những thử thách tương đối, để khiến “niềm vui nhân đôi” khi game thủ vượt qua. Tuy nhiên, với chế độ hardmode của những tựa game dưới đây thì mục đích ấy không còn đúng nữa. Chúng được tạo ra là để khiến người chơi phải... chửi thề và muốn đập phá một thứ gì đó. Hoặc giả, nguyên nhân sâu xa đằng sau đó là để giúp người chơi “cai game” và “tập thể dục” chăng?


    The Last of Us - Grounded mode

    Nếu như bạn đã từng chơi qua The Last of Us, thì bạn sẽ hiểu cái cảm giác căng thẳng khi lạc lõng giữa một khu nhà bỏ hoang với sự im lặng chết chóc bao trùm. Và rồi, bất chợt bên tai bạn vang lên những âm thanh cho thấy lũ Clicker đang ngày càng áp sát. Bạn sẽ cảm thấy may mắn, vì game cung cấp cho bạn những kỹ năng sinh tồn giúp bạn xác định được phương hướng cũng như số lượng của chúng. Tuy nhiên, sự may mắn ấy sẽ không còn nữa, khi bạn chơi Grounded mode.

    [​IMG]

    Ở chế độ này, game sẽ lấy đi kỹ năng giúp bạn “lắng nghe”. Không chỉ thế, bạn sẽ bị tổn thương nghiêm trọng hơn khi dính đòn, đồng thời cũng không thể xác định được lượng máu hay lượng đạn còn sót lại, khi mà interface (giao diện) của game sẽ bị đơn giản tới mức tối đa. Lúc này, điều duy nhất giúp bạn sống sót là sự kiên nhẫn (ở mức độ siêu hạng) cũng như khả năng ghi nhớ mọi chi tiết mà ở các chế độ khác game sẽ bày ra trước mặt bạn.


    Doom (2016) - Ultra Nightmare mode

    Ác mộng đã đủ tồi tệ rồi, thế còn Siêu Ác Mộng thì sao? Hãy thử Doom (2016) ở chế độ Ultra Nightmare. Bạn nhìn thấy những speedrunner chinh phục tựa game này mà không chết lấy một mạng và nghĩ rằng nó dễ dàng? Xin thưa, điều đó đã tốn của họ biết bao nhiêu tiếng để tìm hiểu về một tựa game duy nhất, còn với chúng ta, những game thủ bình thường, thì điều đó là gần như không thể. Và, biết gì không? Nếu không thể hoàn thành game mà “bất tử”, thì tức là bạn sẽ không thể hoàn thành game.

    [​IMG]

    Trong chế độ Siêu Ác Mộng này, mỗi mạng chết sẽ khiến bạn phải bắt đầu game lại từ đầu. Tức là, dù bạn đã trải qua suốt nhiều giờ căng não để tiếp cận với cái kết của Doom, thì mọi thứ cũng sẽ thành công cốc chỉ sau một sai lầm nhỏ nhất. Lúc đó, hãy đảm bảo là có một cái gối ở bên cạnh đã bạn trút giận, nếu không, thì thật tội nghiệp cho thiết bị chơi game mà bạn đang xài.


    Fire Emblem Awakening - Lunatic+ mode

    Chế độ với cái tên đầy “thơ mộng” Lunatic của tựa game nhập vai chiến thuật tuyệt vời Fire Emblem Awakening hẳn đã mang tới cho bạn những giờ phút “vui vẻ” và “thú vị”? Vậy sẽ ra sao nếu bạn biết có một thứ tên là Lunatic+ đang tồn tại trên đời, và so với nó thì Lunatic chỉ là trò trẻ con?

    [​IMG]


    Chế độ Lunatic+ của game chỉ đơn giản là khiến bạn phát điên khi “tặng” cho mỗi kẻ thù 2 kỹ năng Elite bất kỳ. Với những kỹ năng này, đơn vị địch trở nên cực kỳ mất cân bằng, và gần như luôn đánh trúng nhân vật của bạn với các đòn “trí mạng”. Tức là, những kẻ thù mà ở các chế độ game khác chỉ là lũ tép riu, nay đã có thể “tiễn bạn lên đường” bất cứ lúc nào.


    Ninja Gaiden 2 - Master Ninja mode

    Nếu là một game thủ kỳ cựu, hẳn bạn đã từng nghe qua độ khó của Ninja Gaiden? Ninja Gaiden 2 còn khó hơn thế nhiều lần với Master Ninja mode. Nhiều game thủ thậm chí còn không tin rằng “con người” có thể đánh bại được chế độ này của trò chơi (nhưng thực ra là có). Với Master Ninja, kẻ địch không chỉ trâu bò hơn, mà còn nhanh nhẹn hơn, tinh quái hơn, và luôn sẵn sàng “tặng” cho bạn lượng phi tiêu không giới hạn.

    [​IMG]


    Cách duy nhất để bạn chinh phục Master Ninja là tận dụng tối đa những chiêu thức giúp Ryu tạm thời “vô địch” (miễn nhiễm với các đòn đánh) để né đòn. Một khi sử dụng chúng một cách thành thạo, bạn sẽ có cơ hội để hạ gục Archfiend (Boss cuối) và hoàn thành trò chơi. Tuy nhiên, trên thực tế, thì chỉ nội việc dùng chiêu thức sao cho đúng lúc thôi đã là cả một vấn đề trước lũ “lâu la” đông đảo và hung hãn của Ninja Gaiden 2 ở chế độ Master Ninja rồi.


    Killzone 2 – Elite mode

    Bản chất của Killzone 2 vốn đã thuộc hàng siêu khó khi mà bạn sẽ chết ngay tắp lự nếu vẫn giữ thói quen của các tựa game FPS khác mà bạn từng chơi. Để sống sót trong Killzone 2, bạn không bao giờ được xông pha vào giữa làn đạn, mà phải học được cách để nấp thật kỹ, thò ra bắn vài phát, rồi trở lại chỗ nấp thật nhanh. Nói chung, nếu bạn chơi Killzone 2 như đang chơi Call of Duty, thì bạn sẽ không bao giờ hoàn thành được dù là chế độ dễ nhất của game.

    [​IMG]


    Đó mới chỉ là chế độ dễ nhất, còn ở Elite mode, thì mọi thứ sẽ trở thành một cơn ác mộng. Giống như phần đông các chế độ khó, Killzone 2 Elite cũng gia tăng sức mạnh cho kẻ thù của bạn, đặc biệt là ở “chỉ số thông minh”. Quân thù trong Killzone 2 Elite sẽ khiến bạn cực kỳ bực bội, khi chúng trở nên tinh ranh và giỏi nấp hơn bao giờ hết. Không những thế, chế độ Elite cũng đồng thời xóa đi “tâm bắn” của bạn. Bây giờ, bạn sẽ phải nhắm như đang cầm AWP không tâm hồi còn chơi CS vậy. Tổng hợp những điều ấy lại, và bạn sẽ thấy mình đang rơi vào một địa ngục mà chỉ rất ít người mới có thể vượt qua.


    Max Payne 3 – New York Minute Hardcore mode

    Max Payne 3 có một chế độ gọi là Hardcore, nơi mà mọi kẻ thù có thể hạ gục nhân vật chính của chúng ta chỉ bằng 1, 2 phát đạn. Max Payne tất nhiên vẫn sở hữu Bullet Time (khả năng làm chậm thời gian để né đạn), nhưng thời lượng của khả năng này sẽ bị giới hạn một cách tối đa. Nói chung, chỉ Hardcore mode thôi là đã đủ khiến cho fan của Max Payne 3 khóc ròng trong một thời gian khá dài rồi.

    [​IMG]


    Và mọi thứ còn tồi tệ hơn, khi chế độ Hardcore ấy được “hòa quyện” cùng với New York Minute. Trong chế độ này, mọi màn chơi của game đều sở hữu một lượng thời gian hạn chế. Quá giờ, và bạn sẽ thất bại. Không dừng lại ở đó, thất bại trong New York Minute Hardcore, tức là bạn sẽ phải bắt đầu game lại từ đầu. Đập bàn đập ghế cũng không làm được gì, cách dễ nhất để vượt qua nó là… Uninstall game.


    Sniper Elite 4 – Authentic mode

    Authentic có thể tạm dịch là “chân thực”, và ở chế độ này của Sniper Elite 4, NSX đang thật sự muốn mọi thứ trở nên chân thực đến hết mức có thể. Lúc này, mọi yếu tố sẽ ảnh hưởng tới viên đạn của bạn ở ngoài đời, cũng sẽ có ảnh hưởng tương tự thế trong game. Trọng lực, thời tiết, khoảng cách… tất cả đều sẽ khiến đường đạn của bạn thay đổi và đi trật mục tiêu. Và thế, chưa phải đã hết.

    [​IMG]


    Kẻ thù trong chế độ Authentic của Sniper Elite 4 sẽ trở nên thông minh quá mức cần thiết. Chỉ một viên đạn thôi, và vị trí của bạn sẽ bị “lộ tẩy”. Cũng tức là, nếu trượt ở viên đầu tiên, thì kế hoạch ám sát của bạn sẽ ra đi không hẹn ngày trở lại.

    [​IMG]


    Cuối cùng, trong Authentic mode, hệ thống hỗ trợ ngắm cũng sẽ bị gỡ bỏ, cùng phần lớn những biểu hiện tiện ích khác. Những thứ duy nhất để giúp bạn có được một nhát bắn chuẩn là chiếc ống ngắm và máy đo sức gió. Nói chung, bắn tỉa trong Sniper Elite 4 Authentic đã trở nên không khác với bắn tỉa ngoài đời là bao, chỉ trừ việc bạn sẽ không phải đi tù nếu “có lỡ” ngắm trúng. Thế nhưng, tin tôi đi, trừ phi bạn sở hữu tài năng đặc biệt với súng ngắm, còn nếu không, thì việc “có lỡ” ấy sẽ rất khó có thể xảy ra.



Chia sẻ trang này

Tin mới nhất