Những tựa game có cái kết tuyệt vời nhưng bị phá hỏng bởi "phần 2"

Phiêu Vũ
  1. Nhiều tựa game đã có những cái kết không thể tuyệt vời hơn, nhưng vì quá tuyệt vời, nên người ta muốn làm phần tiếp theo về nó. Kết quả? Phần tiếp theo ấy phá hỏng mọi thứ.


    Giống như tiêu đề, bài viết này nói lên cảm nghĩ của người viết về những tựa game với cái kết tuyệt vời bị phá hoại bởi phần tiếp theo của nó. Tức là, tựa game ấy vốn đã có một cái kết trọn vẹn, mọi vấn đề đã được giải quyết, nhưng hãng làm game lại quyết định làm phần tiếp theo, vì phần trước quá ăn khách. Trên thực tế, không phải phần tiếp theo nào thuộc trường hợp này cũng dở, nhưng đa phần là cốt truyện của chúng sẽ khiến người chơi cảm thấy chưng hửng vì những tưởng… mọi chuyện đã kết thúc ở phần trước.


    Final Fantasy X

    Tôi đặt Final Fantasy X lên vị trí đầu tiên trong danh sách này, vì bản thân là một fan hâm mộ của game, nhưng chưa bao giờ thôi cảm thấy thất vọng vì X-2. Hãy nhìn xem chúng ta có gì khi kết thúc tựa game đầu? Đúng vậy, đó là một cái kết buồn, khi mà Tidus, người hùng của game, hóa ra lại là một ảo ảnh giữa vô vàn ảo ảnh được tạo ra bởi giấc mộng của linh hồn người Zanarkand. Khi đánh bại Sin, giấc mộng ấy kết thúc, và Tidus sẽ biến mất. Anh biết trước điều đó, nhưng vẫn chấp nhận dấn thân vào cuộc chiến với Sin, để giúp người yêu cùng đồng đội có được một tương lai tốt đẹp hơn. Cảnh tượng mà Yuna chạy xuyên qua người Tidus và ngã xuống sàn vẫn là một trong những cảnh tượng buồn bã và giàu cảm xúc nhất mà người viết từng được trải nghiệm thông qua game. Đây là một kết thúc buồn, nhưng là một kết thúc đáng nhớ, và vô cùng trọn vẹn.

    [​IMG]

    Thế nhưng, Square không nghĩ như thế. Hoặc giả, họ cho rằng người chơi cần có cái gì đó hơn thế. Và “bùm”, X-2 xuất hiện. Như tôi đã nói, cái kết của Final Fantasy X đã quá trọn vẹn, nên câu chuyện diễn ra trong X-2 gần như chẳng có liên quan gì đến phần trước. Vai phản diện chính của X-2 là một hồn ma muốn phá hủy thế giới bằng một cỗ máy khổng lồ để trả thù cho người mình yêu. So sánh hắn với Sin, bạn sẽ thấy một sự khập khiễng khủng khiếp mà không gì có thể cân bằng nổi. Không những thế, cuối phần 2, Tidus thậm chí sẽ trở lại. Nói thật, tôi thấy vui vì Tidus và Yuna được hạnh phúc bên nhau, nhưng không phải như thế này. Cốt truyện lủng củng khiến câu chuyện trở nên không thật, và cái “happy ending” cũng thành ra không đầu không cuối.


    Assassin’s Creed

    Assassin’s Creed đã từng sở hữu một cốt truyện vô cùng logic và chặt chẽ, ít nhất là cho tới phần 3. Đó là một trận chiến trải dài hàng nhiều thế kỷ giữa Templar và Assassin, được chứng kiến thông qua con mắt của Desmond, hậu duệ thời hiện đại của nhiều sát thủ tiền bối. Việc này bị thao túng bởi Templar, để nhờ đó tìm kiếm lối vào một hầm mộ với khả năng kích hoạt một thảm họa mang tính khải huyền vào ngày 21 tháng 12 năm 2012 (nghe quen quen đúng không?). Cuối Assassin’s Creed III, Desmond đã cứu lấy Trái Đất với cái giá phải trả là chính bản thân anh. Câu chuyện kết thúc trọn vẹn theo đúng motip người hùng và sự cứu rỗi đầy kinh điển. Thế nhưng, series Assassin’s Creed vẫn đang hái ra tiền, và Ubisoft không muốn chấm dứt một con gà đẻ trứng vàng như thế tại đây. Và, bằng cách nào đó, họ đã kéo dài nó theo một cách vô cùng đáng thất vọng.

    [​IMG]


    Thay vì bắt đầu một câu chuyện mới, hoặc bỏ qua phần hiện đại để tập trung vào các Assassin trong quá khứ, Ubisoft lại quyết định tiếp nối câu chuyện bằng một cách “nửa nạc nửa mỡ”. Templar đột nhiên khám phá ra cách để theo dõi quá khứ bằng những mẩu DNA của Desmond. Không có thêm nhân vật chính nào nữa, mà chỉ là những con người vô danh được sử dụng dựa trên độ tương thích với cỗ máy ký ức. Cốt truyện trở nên hoàn toàn lệch đường ray, khi mà Templar cố gắng để tìm cách thống trị loài người, nhưng chẳng hề có một kế hoạch cụ thể nào để tiếp cận với việc đó. Nói thực, sau Assassin’s Creed III, người viết đã phải hoàn toàn bỏ qua phần cốt truyện liên quan tới thời hiện đại thì mới có thể tiếp tục thưởng thức game.


    The Legend of Zelda

    Thậm chí đến cả những người hâm mộ trung thành nhất của Zelda cũng phải công nhận rằng cốt truyện xuyên suốt các dòng game của nó là hoàn toàn chẳng có cốt truyện nào cả. Đó là một đống Prequel (tiền truyện), Spin-off (câu chuyện riêng lẻ), Reboot (làm lại), Sequel (hậu truyện), hay hậu truyện của tiền truyện, tiền truyện của tiền truyện, hoặc những dòng thời gian xen kẽ. Sự hỗn loạn này đã bắt đầu từ rất sớm, ngay phần thứ 2 của dòng game.

    [​IMG]


    Trong cái kết của phần đầu tiên, Link đã cứu được công chúa, và tiêu diệt được trùm cuối độc ác Ganon. Cốt truyện vô cùng rõ ràng và đã có một cái kết tốt đẹp. Tuy nhiên, Zelda II xuất hiện, và mọi thứ trở nên vô cùng khó hiểu. Có một nàng Zelda mắc nạn, và bạn phải cứu nàng, nhưng nàng lại không phải là công chúa mà bạn đã từng cứu ở phần 1. Theo một thông lệ vô cùng “hay ho”, mọi nàng công chúa cả vương quốc đều phải được đặt tên là Zelda. Câu chuyện tiếp diễn với việc lũ “đệ” của Ganon muốn thu thập máu của Link để hồi sinh Ganon. Việc đó chỉ xảy ra nếu bạn thua. Còn nếu không, bạn sẽ phải đối diện với… cái bóng của chính mình vì những lý do “nào đó”, còn Ganon lúc ấy sẽ trở thành một thứ gì đó chẳng đáng để quan tâm.

    [​IMG]


    Kế tiếp, chúng ta đã có vô số tựa game Zelda khác nhau, nhưng Zelda III chưa bao giờ xuất hiện. Vì sao? Vì cốt truyện sau Zelda II đã là một mớ bòng bong. Mọi người đều yêu thích Zelda nguyên gốc, làm sao để kéo dài sự yêu thích ấy sau thật bại của Zelda II đây? Rất đơn giản: Tiền truyện hoặc thế giới song song (hay dòng thời gian khác). Giờ đây, chúng ta có vô số Link và Zelda. Vài tựa game tồn tại trong cùng một dòng thời gian, cái khác thì không. Những tựa game ấy có hay không? Hiển nhiên, nếu không thì chúng ta đã không có tới 17 game Zelda khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn cố gắng xâu chuỗi chúng thành một câu chuyện hoàn chỉnh, thì đừng phí công vô ích. Mọi chuyện đã kết thúc sau phần Zelda đầu tiên, hoặc thứ 2.

    (Còn tiếp)



Chia sẻ trang này

Tin mới nhất