Người dùng có được hưởng lợi khi lên 4G?

Bomer
  1. Kể từ khi Tổng Công ty Viễn thông Viettel chính thức khai trương thử nghiệm dịch vụ 4G tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, 4G đã trở thành 1 từ khóa được nhiều người dùng trong nước quan tâm.

    Đặc biệt, trong ngày đầu tiên thử nghiệm mạng 4G, rất nhiều nhà phân tích đã cùng đưa ra các ý kiến trái chiều liên quan tới dịch vụ mới.

    Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra hiện nay, đó là liệu khi Việt Nam tiến lên 4G, người dùng có được hưởng lợi vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

    Tốc độ 4G tại Việt Nam đang ở mức lý tưởng

    [​IMG]
    Thử nghiệm 4G tại Việt Nam


    Trước khi đi tới những kết luận về tốc độ mạng di động 4G tại Việt Nam, chúng ta cần nắm rõ, công nghệ đang được Viettel triển khai thử nghiệm ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là chuẩn 4G thông thường.

    Trong đó, 4G là tên gọi được IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers - Học viện kỹ nghệ điện và điện tử) đặt ra nhằm phân biệt với các chuẩn mạng trước đó là 3G và 2G. Về cơ bản, 4G được hiểu là thế hệ mạng tiếp theo của 3G, là công nghệ truyền thông không dây thứ 4 cho phép tốc độ tải về rất cao.

    Về mặt lý thuyết, mạng 4G tại Việt Nam sẽ đạt tối đa khoảng 150 Mbps, gấp hơn 7 lần so với 3G. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế cho thấy tốc độ download trung bình đạt 132,74 Mbps, còn tốc độ upload trung bình đạt 44,64 Mbps. Nghĩa là tốc độ thực tế tương đương 88% tốc độ lý thuyết, có thể coi là tốc độ khá lý tưởng.

    Tất nhiên, cần nhấn mạnh rằng, đây chỉ là tốc độ trung bình của mạng 4G tại Việt Nam ở thời điểm người dùng còn dung lượng tốc độ cao. Còn trong trường hợp gói dữ liệu đã hết, nhà mạng sẽ bóp băng thông như mạng 3G thông thường. Do đó, lúc này tốc độ 3G hay 4G cũng không có sự chênh lệch đáng kể.

    Còn theo một số thông tin gần đây, có thể, sau quá trình thử nghiệm, Tổng Công ty Viễn thông Viettel có thể triển khai ngay công nghệ 4G LTE-A cao cấp cho tốc độ tối đa lên tới 300 Mb/s, và tải lên là 150 Mb/s. Tuy nhiên, để đạt được tốc độ như vậy, smartphone của người dùng cũng cần hỗ trợ chuẩn LTE Cat 6 trở lên.

    Phải đổi smartphone nếu muốn dùng 4G

    [​IMG]
    Phần lớn các smartphone được đưa ra thử nghiệm tại Bà Rịa-Vũng Tàu đều là các sản phẩm cao cấp.


    Dù thông tin Việt Nam chuẩn bị được triển khai công nghệ mạng 4G đã xuất hiện từ thời điểm cuối năm ngoái, nhưng tính cho đến nay, số lượng smartphone có mặt tại thị trường nước ta, có hỗ trợ lại công nghệ này lại rất ít. Và phần lớn các smartphone có chuẩn 4G cũng chỉ tập trung tại phân khúc cao cấp.

    Nghĩa là nếu may mắn được sở hữu những chiếc điện thoại hàng đầu hiện nay, người dùng Việt mới mong được sử dụng mạng 4G. Ở đây, có thể liệt kê một vài đại diện như: One M9 và One A9 của HTC; G4 và V10 của LG, Lumia 950 và Lumia 950 XL của Microsoft, và các smartphone cao cấp 2014, 2015 của Samsung.

    Riêng với trường hợp của bộ đôi iPhone 6s và iPhone 6s Plus có hỗ trợ mạng 4G, nhưng do phía Viettel chưa hề kí kết chính thức với Apple nên tạm thời chưa hỗ trợ. Trong khi đó, hầu hết các smartphone tầm trung, giá rẻ hiện nay cũng đều cắt bỏ tính năng hỗ trợ 4G để giảm giá thành sản phẩm.

    Hiện tại, trong tầm giá khoảng 4 triệu đồng trở lại, chúng ta chỉ có khoảng 6 mẫu smartphone tiêu biểu đã hỗ trợ mạng 4G trong nước, có thể kể tên như: Xiaomi Redmi Note 3, Asus Zenfone 2 Laser, Lenovo A7000, Samsung Galaxy J2, Meizu M2 hoặc Motorola Moto E Gen 2.

    Nói cách khác, nếu muốn sử dụng công nghệ 4G mới nhất, sẽ rất nhiều người dùng trong nước phải đổi sang các mẫu sản phẩm khác. Hoặc bỏ ra một số tiền không nhỏ để nâng cấp thẳng lên các flagship cao cấp nhất. Vô hình chung, Việt Nam tiến lên 4G sẽ khiến người dùng mất thêm một khoản tiền lớn.

    Dùng 4G có mất nhiều tiền hơn 3G?

    [​IMG]
    Người dân đi trải nghiệm 4G tại Bà Rịa-Vũng Tàu trong sáng này 12/12/2015.


    Bên cạnh câu chuyện chọn mua smartphone có hỗ trợ công nghệ 4G, một vấn đề không kém phần nóng hỏi cũng được rất nhiều người dùng quan tâm chính là: giá cước 4G. Nếu nhìn về thời điểm tháng 8/2015, bà Trần Thanh Huyền, Phó giám đốc Trung tâm Di động Viettel Telecom khẳng định giá cước 4G tối đa chỉ bằng 3G.

    Còn trong đợt triển khai 4G tại Vũng Tàu vừa qua, nhà mạng này cũng làm đúng cam kết. Nghĩa là giá cước dữ liệu 4G sẽ chỉ ở mức 70 nghìn đồng, không phân biệt 3G hay 4G. Tuy nhiên, người dùng cũng phải chấp nhận một thực tế, khi sử dụng hết dung lượng tốc độ cao thì sẽ bị chuyển băng thông đưa về tốc độ thấp hơn.

    Tương tự như vậy, các nhà mạng còn lại như đã có kế hoạch triển khai công nghệ 4G, nhưng chưa đưa ra công bố cụ thể. Tuy nhiên, mức giá này chỉ có thể tương đương với các gói dữ liệu di động 4G của nhà mạng Viettel, vì phải tuân theo quy luật cạnh tranh trên thị trường.

    Nói cách khác, trong thời gian này, người dùng cả 3 nhà mạng sẽ không phải lo lắng về mức giá 4G. Còn theo tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, mức giá chính thức cho mạng di động 4G mà các nhà mạng trong nước cung cấp sẽ đều phải thông qua Bộ. Cụ thể, Bộ trưởng cho biết:

    "Trong quá trình thử nghiệm 4G, Bộ đã yêu cầu các nhà mạng báo cáo lại tiến độ về chất lượng, giá cước, sau đó xem xét người tiêu dùng đánh giá như thế nào.

    Qua đó, Bộ mới có thể đưa ra những chính sách phù hợp. Nếu Bộ yêu cầu chất lượng rất cao, nhà mạng phải đầu tư rất nhiều tiền, kéo theo giá cước cao, người dân phải trả cao hơn. Do đó, chúng ta phải cân đối cả về chất lượng, giá cả… chứ không thể tính toán trên lý thuyết".

    Như vậy, câu chuyện về mức giá 4G chỉ xoay quanh chi tiết: tốc độ mạng di động 4G khi bị chuyển băng thông sẽ là bao nhiêu? Liệu các nhà mạng có nâng cấp tốc độ khi các gói dữ liệu đã hết dung lượng? Bởi nếu không tăng tốc độ khi băng thông bị chuyển, sự khác biệt giữa 3G và 4G sẽ là không đáng kể.​



Chia sẻ trang này

Tin mới nhất