Giả thuyết đáng sợ về Tây Du Ký – Sự ra đời của Tôn Ngộ Không vốn là một âm mưu

Nguyễn Thu Trang
  1. Theo giả thuyết này, cuộc đời Tôn Ngộ Không từ khi mới sinh ra đã là một tấn bi kịch.

    Tây Du Ký là một tác phẩm rất nổi tiếng tại Trung Quốc và cả Việt Nam, nhận được sự yêu thích của vô số khán giả. Hồi nhỏ chúng ta chỉ nhìn tác phẩm này như một bộ phim, bộ truyện trừ yêu diệt quái bình thường, tuy nhiên về sau này ngày càng có nhiều giả thuyết khác biệt Tây Du Ký được đưa ra, một trong số đó không khỏi khiến chúng ta phải rùng mình.

    Sự ra đời của Tôn Ngộ Không vốn là một âm mưu?

    [​IMG]


    Trong Tây Du Ký, nhân vật Tôn Ngộ Không được miêu tả là sinh ra từ hòn đá nhưng nghĩ kĩ thì điều này khá kì lạ, hòn đá thật sự có khả năng nuôi dưỡng ra một sinh mệnh ư? Trước Tây Du Ký, thần thoại Trung Quốc không thiếu các thần tiên yêu ma, nhưng tất cả đều có nguồn gốc rõ ràng, đến cả Phật Tổ Như Lai pháp lực vô biên cũng có xuất thân ban đầu là người phàm.

    Có thể thấy cả tác phẩm Tây Du Ký đều chuyển động xung quanh Phật giáo, mà hình ảnh hòn đá sinh ra Tôn Ngộ Không lại dễ khiến người ta liên tưởng đến Xá Lợi Tử, phải chăng đây là chi tiết ám chỉ cho việc Ngộ Không sinh ra là vì Phật, sinh ra là để truyền bá Phật giáo.

    Sư phụ của Ngộ Không là ai?

    Chắc hẳn cũng nhiều người thắc mắc, tại sao Bồ Đề Tổ Sư lại đồng ý truyền thụ 72 phép biến hóa cao cường cho một con khỉ ngỗ nghịch như Ngộ Không? Tại sao đã dạy Ngộ Không phép thuật rồi lại không dạy nó tu thân dưỡng tính? Có giả thuyết cho rằng thực ra Bồ Đề Tổ Sư chính là sư đệ của Như Lai và được Như Lai nhờ cậy dạy pháp thuật cho Ngộ Không. Sở dĩ để mặc nó làm loạn ngỗ ngược là vì muốn nó đại náo thiên cung. Cũng chính vì lí do này nên Bồ Đề Tổ Sư còn dặn dò Ngộ Không rằng: “Không được nói với ai ngươi là đồ đệ của ta.”​

    [​IMG]

    Số phận của Ngộ Không đã được định trước

    Trong quá trình Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, chúng đệ tử dưới trướng Phật Tổ không hề ra tay ngăn cản, Quan Âm Bồ Tát đã đến nhưng cũng chỉ bàng quan, mãi cho đến khi Tôn Ngộ Không đánh bại tất cả các cao thủ Thiên Đình, Ngọc Đế hết cách chỉ đành mời Phật Tổ Như Lai giúp đỡ.

    Chẳng phụ kỳ vọng, Phật Tổ xuất hiện và dễ dàng xử lý con khỉ gây rối Thiên Đình. Là do pháp lực của Phật Tổ quá cao cường hay vốn dĩ Người hiểu quá rõ về pháp thuật của Ngộ Không nên mới dễ dàng đánh bại nó? Một điểm đáng chú ý khác trong phân đoạn này là hình ảnh Ngộ Không dù giỏi giang đến mấy cũng không thoát khỏi bàn tay của Phật Tổ, liệu có phải đang ngầm ám chỉ rằng: Vận mệnh của Tôn Ngộ Không luôn nằm trong tay người khác.​

    [​IMG]


    Phật Tổ đánh bại Ngộ Không, đổi lấy cơ hội truyền bá Phật giáo tới Trung Thổ, tăng sức ảnh hưởng của mình tại nơi đây. Trong Tây Du Ký có viết, Ngũ Hành Sơn được hình thành vào thời kỳ Vương Mãng chiếm ngôn nhà Hán, cũng có nghĩa Ngộ Không bị Phật Tổ giam dưới chân núi vào cuối thời Tây Hán. Mà vừa hay Phật giáo cũng du nhập vào Trung Quốc trong khoảng thời gian này, quả là một sự trùng hợp thú vị.

    Mâu thuẫn giữa Phật giáo và Đạo giáo

    Giả thuyết này cũng đề cập rằng Phật giáo và Đạo giáo lúc này đang có sự ngấm ngầm tranh đấu, Ngộ Không đại náo Thiên Đình nhưng cuối cùng khi bị thu phục, Phật Tổ không giao nó lại cho khổ chủ là Thiên Đình trừng trị mà lại bảo vệ nó, ban cho nó cơ hội đi thỉnh kinh.

    Như đã biết, trên đường đến Tây Thiên, vô số yêu quái mà 4 thầy trò Đường Tăng gặp phải đều là vật nuôi trốn từ Thiên Đình xuống. Chúng mang theo nhiều loại bảo bối khiến Ngộ Không bó tay, làm nó phải lên Thiên Đình nhờ giúp đỡ. Hơn nữa, sau khi bị đánh bại, lũ yêu quái này đều được chủ nhân dẫn về “dạy dỗ” lại chứ không bị đánh chết, dù cho trước đó chúng hoành hành ngang ngược, cướp bóc giết người. Nhưng vật nuôi này thật sự to gan bất chấp tất cả để trường sinh hay sự thật là có kẻ sai khiến, buộc Ngộ Không không thể thoát ly khỏi sự giúp đỡ của Thiên Đình.

    Ngoại trừ Ngộ Không, những đệ tử khác của Đường Tăng như Bạch Long Mã, Trư Bát Giới và Sa Tăng đều là các tướng lĩnh Thiên Đình bị giáng chức hoặc có liên quan đến Đạo Giáo. Thế nhưng trên đường diệt ma trừ yêu, các vị thiên binh thiên tướng này thường bó tay trước yêu quái và gần như chẳng giúp được gì, có khi còn gây thêm họa. Đến đây người ta lại phải đặt ra một câu hỏi, yêu quái dưới phàm giới thật sự mạnh mẽ đến thế hay vốn những người này được phái đến để gây rối.

    [​IMG]

    Ngộ Không thật đã chết

    Một trong những phần hack não nhất, để lại ấn tượng sâu đậm nhất của toàn bộ tác phẩm chắc hẳn là Ngộ Không thật, Ngộ Không giả. Tây Du Ký có ghi: Trong thế gian có 4 con khỉ đá được sinh ra vào hỗn thế là Linh Minh Thạch Hầu, Xích Khao Mã Hầu, Thông Tí Viên Hầu và Lục Nhĩ Mi Hầu - cũng là con khỉ giả mạo Ngộ Không.

    Chú ý rằng, ngoại trừ Phật Tổ Như Lai, không ai biết đến sự tồn tại của chúng, chẳng lẽ trên thế gian không còn ai sống đủ lâu và đủ thông thái để tìm hiểu về chúng ư, hay là do có người cố tình giấu giếm tạo ra chúng.

    Lục Nhĩ Mi Hầu giỏi quan sát nghe ngóng, biết rõ chuyện trong quá khứ và tương lai của Tam Giới, vậy chẳng lẽ nó chưa từng nhìn thấy tương lai Ngộ Không đưa nó đến chỗ Phật Tổ để phân biệt thật giả và mất mạng tại đó ư? Đến đây, một giả thuyết cho rằng con khỉ đá bị giết chết kia mới là Ngộ Không thật và chính Phật Tổ là người muốn trừ khử nó.

    Nhận thấy Ngộ Không đã manh nha phát giác ra kế hoạch của mình, Phật Tổ đã tương kế tựu kế phái Lục Nhĩ tới làm loạn sau đó tráo đổi thân phận của hai con khỉ đá với nhau, thậm chí còn dung túng Lục Nhĩ đánh chết Ngộ Không thật ngay tại chỗ để diệt trừ hậu họa. Vì thế người sau này đi theo Đường Tăng đến Tây Thiên thỉnh kinh và trở thành Đấu Chiến Thắng Phật thực ra là Lục Nhĩ Mi Hầu.

    Hiện nay cũng có một tựa game khai thác các giả thuyết của Tây Du Ký đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người chơi là Hắc Thần Thoại: Ngộ Không. Bạn đọc có thể xem trailer game tại đây:



Chia sẻ trang này

Tin mới nhất