Dyatlov Pass - Con đèo quỷ ám từ đời thật vào game

Hard
  1. Đèo Dyatlov là một địa danh ma quái hàng nhất trên thế giới, nơi chứng kiến sự kiện hãi hùng cướp đi sinh mạng 9 người.

    Bất chấp công nghệ hiện đại và thành tựu khoa học đưa nhân loại phát triển từng ngày, trên thế giới vẫn còn vô vàn những điều bí ẩn mà chúng ta chưa thể giải thích. Một trong số đó chính là con "Đèo Dyatlov" với sự kiện chấn động diễn ra vào ngày mùng 2 tháng 2 năm 1959, liên quan đến 9 nhà leo núi chuyên nghiệp của Học viện bách khoa Ural... những người đã chết theo một cách đầy rùng rợn và bí hiểm. Con đèo với sự khét tiếng của mình trở thành niềm cảm ứng cho phim ảnh và thế giới game, với ví dụ điển hình là "Kholat" chào sân dưới tay đội ngũ phát triển IMGN.PRO hơn một năm về trước.

    [​IMG]
    Đèo Dyatlov trên phim.

    [​IMG]
    ...và trong game.


    Tuy nhiên với việc là một sản phẩm giải trí ảo nên Kholat cũng như các bộ phim Hollywood đã cố lồng ghép nhiều yếu tố siêu nhiên vào cốt truyện, khiến chúng ta luôn cảm thấy mờ mịt và tự hỏi đâu mới là những tình tiết thật đằng sau hình ảnh con đèo Dyatlov. Nếu bạn chưa biết hay vẫn còn mông lung về những bí ẩn chưa thể giải thích ấy.... thì câu chuyện sau đây sẽ dành cho bạn..

    ---------------------

    Nhóm leo núi trong sự kiện "Đèo Dyatlov" ban đầu có 10 thành viên bao gồm 8 đàn ông và 2 phụ nữ, đa số đều là các sinh viên đã tốt nghiệp Học viện bách khoa Ural. Đoàn được dẫn đầu bởi Igor Alekseievich Dyatlov, người mà sau này tên được lấy đặt cho con đèo. Mục tiêu của nhóm là ngọn núi Otorten, cách vị trí xảy ra sự kiện 10 km về phía Bắc. Con đường mà đoàn chọn vào thời bấy giờ được xếp hạng III, tức ở độ khó cao nhất, tuy nhiên với 90% thành viên đều là những người dàn dạy kinh nghiệm thì sự thành công của cuộc hành trình hoàn toàn nằm trong tầm tay.

    Khởi đầu chuyến thám hiểm, nhóm đi tàu đến Ivdel, thành phố trung tâm phía bắc tỉnh Sverdlovsk Oblast vào ngày 25 tháng 1 và tiếp tục đi xe tải đến Vizhai - khu dân cư cuối cùng trên đường đến Otorten. Tuy nhiên một thành viên trong nhóm là Yuri Yudin bất ngờ lâm bệnh, buộc phải quay trở lại khiến số thành viên chỉ còn lại 9 người. Hai ngày sau, tức ngày 27, họ chính thức bắt đầu cuộc hành trình mà không hay biết mình sẽ không bao giờ trở lại.

    Trước khi bắt đầu, trưởng nhóm Dyatlov hứa rằng sẽ gửi bức điện tín ngay cho câu lạc bộ thể thao của mình từ Vizhai sau khi chinh phục thành công ngọn núi Otorten. Vị trường nhóm này dự kiến hành trình sẽ không vượt quá ngày 12 tháng 2. Nhưng khi Yuri Yudin buộc phải tách đoàn và quay trở về, Dyatlov đã nói rằng mọi thứ có thể lâu hơn dự tính ban đầu.

    [​IMG]
    Yuri Yudin - chính giữa, ôm tạm biệt Dubinina trước khi phải trở về vì lâm bệnh.


    Tuy nhiên ngày 12 trôi qua mà không hề có một bức điện tín nào gửi đi từ đoàn thám hiểm, thậm chí liên tiếp nhiều ngày sau đó. Nhưng điều này vẫn chưa dấy lên quá nhiều lo ngại cho mọi người thời bấy giờ,vì thường các chuyến thám hiểm luôn bị chậm trễ vài ngày. Chỉ cho đến ngày 20 tháng 2 khi gia đình của các thành viên trực tiếp yêu cầu, đội giải cứu mới được cử đi và bám theo dấu vết mà nhóm của Dyatlov để lại.

    Tới ngày thứ 26 của tháng 2, họ tìm thấy nơi đoàn cắm trại.

    Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những chiếc lều bị xé rách từ bên trong khi tất cả giày ủng và đồ dùng của đoàn bị bỏ lại. Tám trên chín dấu chân được tìm thấy trên nền tuyết, tất cả đều cho thấy những người này chỉ mang tất không. Những dấu chân trải đều từ khu vực cắm trại cho đến bìa rừng gần đó, nơi nhóm cứu hộ tìm thấy vết tích của trại lửa nhỏ dưới chân một cây tuyết tùng... Và bên cạnh là xác của hai thành viên đầu tiên được phát hiện. Cả hai đều chỉ mang đồ lót và không đi giày. Những cành cây bị gãy ở vị trí 5 mét trên thân cây chỉ ra một thành viên đã cố gắng trèo lên cây để quan sát thứ gì đó.

    [​IMG]


    Trên quãng đường từ trại cho đến vị trí cây tuyết tùng, thêm ba xác người nữa được tìm thấy và một trong số đó là trưởng nhóm Dyatlov. Tư thế chết của họ gợi ý mục đích quay trở lại lều sau khi chạy ra ngoài, nhưng vì một lý do nào đó đã tử vong ngay giữa đường.

    Quá trình tìm kiếm xác của bốn người còn lại mất thêm 2 tháng nữa. Họ chính thức được phát hiện vào ngày mùng 4 tháng 5 dưới lớp tuyết dày 4 mét trong một khe núi cách vị trí cây tuyết tùng 75 m về phía sâu trong rừng. Theo các điều tra viên, những người này mang quần áo đầy đủ hơn, gợi ý những người chết sau đã lấy quần áo của những người chết trước nhằm chống chọi với cái lạnh.

    Sau khi cả 9 xác thành viên của đoàn thám hiểm được tìm thấy, các tình tiết kỳ lạ cũng bắt đầu lần lượt xuất hiện. Đầu tiên là ba thành viên thuộc nhóm được tìm thấy ở khe núi gặp phải các chấn thương nghiêm trọng tại vùng vỏ sọ và ngực, mang tác động lực ngang vụ va chạm với một chiếc xe hơi. Thành viên nữ Dubinina thậm chí còn mất lưỡi, mắt và một phần môi, cũng như mặt và mảnh xương sọ. Những thành viên khác được chẩn đoán là chết vì lạnh.

    [​IMG]


    Kết luận của điều tra viên rằng nhóm bị tấn công bởi tộc người Mansi khi vô tình bước vào khu vực họ sinh sống cũng sớm bị loại bỏ khi trên hiện trường chỉ có dấu chân của nhóm thám hiểm, trong khi không hề có dấu tích của việc chống cự bằng tay chân. Lạ hơn nữa những căn lều của đoàn cho thấy chính những thành viên này đã xé rách từ bên trong ra, tạo cảm giác như những người này đang bỏ chạy khỏi một thứ gì đó. Trên tất cả họ gần như không mang quần áo ấm và không đi giày, có thể chỉ ra sự sợ hãi và khẩn cấp ở tình trạng mà nhóm thám hiểm gặp phải khi sự việc xảy ra.

    Những lý giải không phải là không có, nhưng tất cả đều không có bằng chứng xác đáng 100%. Số cho rằng có thể vì lở tuyết, hay việc thử nghiệm loại mìn mới của quân đội gây ra các chấn thương bên trong mà không có nhiều vết tích bên ngoài. Số khác lại cho rằng đây là hiệu ứng của cái lạnh cực độ khiến thân thể con người bị đánh lừa với cảm giác thiêu đốt và cố gắng cởi quần áo, vô tình khiến mình bị chết vì lạnh. Thậm chí một số còn đi xa hơn với giả thuyết về người tuyết Yeti khi một thành viên có vết tích đụng độ, thậm chí mất mắt cũng như lưỡi. Tuy nhiên như đã nói, tất cả những giả thuyết ấy đến nay vẫn không được khẳng định hoàn toàn chính xác, vẫn bỏ lại những tình tiết không thể giải thích sau này.

    [​IMG]
    Bia tưởng niệm đoàn thám hiểm thiệt mạng tại Dyatlov.


    Tuy nhiên dù chúng ta có đi theo lập luận nào đi chăng nữa, vẫn có những khúc mắc không thể lý giải gần 60 năm sau đó, những câu hỏi vẫn ám ảnh con người cho đến tận ngày nay.

    Tại sao ba người lại cố gắng quay trở lại lều? Tại sao thành viên nữ lại mất lưỡi và mắt trong khi chết với tư thế nằm úp mặt? Tại sao bốn người cuối cùng lại được tìm thấy xác ở khe núi nằm sâu trong rừng, dường như đi về hướng hoàn toàn ngược lại với ba người trên? Tại sao hai xác đầu tiên lại ở lại dưới chân cây tuyết tùng? Giữa vùng núi tuyết hoang vắng liệu có thứ gì đủ mạnh để mang chấn thương với lực của một chiếc xe hơi... trong khi vẫn giữ bên ngoài thân thể nạn nhân rất ít vết tích? Không một câu trả lời, không một lời giải đáp.. và bí ẩn đó sẽ càng chôn sâu khi thời gian trôi qua ngày một dài hơn trên con đèo ma quái.​



Chia sẻ trang này

Tin mới nhất