Đôi khi... tôi ước một cuộc sống đừng đầy đủ quá!

mjuxinh
  1. Sẽ là ngớ ngẩn trong khi xã hội từng giây từng phút cố gắng để cải thiện cuộc sống, con người ta luôn mơ ước giàu có, sung túc, vương giả thì có người lại mong sao đừng sống một cuộc đời quá đầy đủ...

    Nguyên căn của cái suy ghĩ khác người này là sau khi xem xong bộ ảnh “Đứa trẻ công nghệ” của một nhiếp ảnh gia có nickname Bút Cùi Bắp, mà một tuần nay rồi, thấy người ta đưa tin nhiều quá trời. Nhìn hình ảnh đứa bé, lúc nào trên tay cũng là chiếc smartphone, kể cả trong lúc ngủ, cộng thêm đọc cả mấy dòng tâm sự của tác giả trong mỗi bức ảnh nữa, tự nhiên thấy nhớ cái thời “trẻ trâu” của mình kinh khủng!

    [​IMG]


    Sẽ quá là khập khiễng khi người ta cứ mãi đi so sánh từng giai đoạn, từng thời kỳ với nhau. Bản thân cũng cực kỳ nghét khi mỗi lần bố mẹ kể lể, so sánh ngày trước bố mẹ phải như thế này thế kia, giờ mày được như thế này thế nọ... Ngày hôm qua với ngày hôm nay thôi, đã khác nhau nhiều lắm rồi, chứ đừng nói đến thế hệ này với thế hệ khác.

    Thế hệ 9x những năm đầu như chúng tôi, thực ra thì cũng mới ngoài 20, tức là cũng chưa đến mức chênh lệch tuổi tác với bọn trẻ con thế hệ 10x bây giờ quá nhiều. Nhưng công bằng mà nói, tuổi thơ ngày ấy của chúng tôi và bây giờ, có một sự khập khiễng không hề nhẹ! Nhiều lúc nghĩ rằng, bọn trẻ con bây giờ sướng thật, cái gì cũng có, cái gì cũng biết. Nhưng đôi khi, lại tiếc rẻ, cuộc sống giờ đầy đủ, công nghệ tiện nghi quá, bọn trẻ quên đi hết những giá trị khác của tuổi thơ mất rồi.

    [​IMG]


    Tuổi thơ của chúng tôi, điện thoại và internet là những cái gì đấy quá xa vời. Mãi đến năm lớp 10, khi tôi bắt đầu chuyển trường đi học xa nhà, mới được mẹ mua cho 1 chiếc điện thoại đen trắng. Mỗi lần nạp thẻ 20k mà dùng mãi, dùng mãi chả thấy hết.


    Bài viết là quan điểm của tác giả dựa trên bộ ảnh bộ ảnh có tên "Đứa trẻ công nghệ" của tác giả Đỗ Xuân Bút, nickname Bút Cùi Bắp, sinh năm 1992.

    Để nói về cái thời kỳ “trẻ trâu” ấy, có lẽ có quá nhiều điều để mà nói, phải dùng đúng cái từ “tuổi thơ dữ dội’ ý, mới lột tả hết cái bản chất của nó. Chúng tôi lớn lên bên những trò chơi dân gian quen thuộc, trên những cánh đồng, trên những bãi đất hay khoảng sân rộng. Chỉ đơn giản là những trò chơi tự chế thôi, nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười!

    [​IMG]


    Tuổi thơ của tôi, là những con quay gỗ đủ kích cỡ to nhỏ, tự tay đẽo rồi khoe xem của ai đẹp hơn, của ai quay lâu hơn. Tự nghĩ ra cái cách đem ngâm nó dưới bùn hàng tuần liền cho đến khi nó chuyển sang một màu nâu đen, như thể làm như vậy, sẽ khiến cho con quay của mình bền và đẹp hơn vậy!

    Tuổi thơ của tôi, là những viên bi ve đủ màu sắc, tưởng như một bộ sưu tập vô giá khó có thể nào đánh đổi được. Ngày nào cũng đem ra đếm, đếm đi đếm lại như thể chỉ cần mất một viên thôi, sẽ thấy lòng khó chịu lắm lắm!

    [​IMG]


    Tuổi thơ của tôi, là những buổi trốn ngủ trưa chơi nhắm mắt trốn tìm cùng đám bạn trong xóm. Cái câu “5, 10, 15, 20, ... , 95, 100, không chơi trốn gần bờ, trốn gần bờ 3 bước là chết” có lẽ đến bây giờ vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của tôi như thế! Nhiều khi để không bị bắt, cứ chui hết vào bụi này bụi kia, quần áo lem luốc, bẩn thỉu hết cả. Suốt ngày bị mẹ mắng cũng vì tội đó.

    Tuổi thơ của tôi, là những tối chơi bịt mắt bắt dê ở sân nhà văn hóa của khu. Thực ra thì tôi chỉ thích là người đi trốn thôi, còn sợ cái cảm giác bị bịt kín mắt và phải lần tìm người khác. Nhiều khi xấu tính, tìm mãi chả được ai, thế là giận dỗi bỏ về chẳng chơi nữa.

    Tuổi thơ của tôi, là những cơm canh rau muống, ô ăn quan, là những nhảy bậc, nhảy ngựa, là những súng cao su, ống phốc, là nhảy dây, chơi chuyền, là vòng quanh socola, là thả đỉa baba, ..., v.v. Có những trò được các anh chị lớn dạy lại cho, có những trò cứ tự “bịa” ra mà chơi với nhau như thế. Vui, nhưng nhiều khi cũng cãi nhau ỏm tỏi.

    Tôi không biết lúc nào thì sẽ không bị gọi là trẻ con nữa, nhưng hình như cũng phải rất lâu rồi, tôi không còn chơi những trò “trẻ trâu” ấy nữa. Ai rồi cũng phải học cách lớn và trưởng thành, nhưng những kỷ niệm tuổi thơ sẽ là hành trang theo ta suốt cuộc đời. Và tôi, luôn tự hào rằng, những trò chơi ngày ấy, đã vẽ thêm rất nhiều màu sắc sinh động vào bức tranh tuổi thơ muôn màu của tôi.

    [​IMG]


    Đó có thể là lý do vì sao mà tôi thấy tiếc, tiếc cho những đứa trẻ bây giờ. Cuộc sống giờ đầy đủ quá, công nghệ giờ hiện đại quá, hình ảnh những cô cậu học sinh cấp 1 đã sử dụng Iphone, Ipad nhoay nhoáy chẳng còn gì lạ lẫm nữa. Những trò chơi dân gian quen thuộc ngày ấy, giờ đã trở thành xa lạ lắm rồi. Đôi khi vẫn tự hỏi, giá trị tuổi thơ giờ nằm ở đâu?

    Phải chăng, do cuộc sống giờ đầy đủ quá?



Chia sẻ trang này

Tin mới nhất