Đổi chính sách cho giống Steam, Epic Games quyết chen chân vào thị trường phân phối game

Nguyễn Thu Trang
  1. Epic đang bắt đầu học theo những tính năng của Steam, bắt đầu từ chính sách đổi trả game.

    Như đã biết, hiện Epic Games Store được đánh giá là đối thủ hàng đầu của Steam trong tương lai, mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu nên dù đã áp dụng nhiều biện pháp lôi kéo người chơi và nhà phát triển thì đứng trước một Steam lâu đời đầy uy tín, hệ thống mới của Epic vẫn yếu thế hơn hẳn. Một trong những điểm khiến người chơi và các nhà phát triển lớn tin tưởng đến với Steam là do những chính sách chu toàn, rõ ràng của nó. Tuy nhiên theo như giám đốc chiến lược của Epic Sergey Galyonkin, hãng đang bắt đầu bù đắp những thiếu sót của mình, bắt đầu từ chính sách đổi trả game – một trong những tính năng nổi bật được yêu thích nhất trên Steam.​

    [​IMG]

    Hệ thống mới của Epic cho phép người chơi trả lại tựa game đã mua trong điều kiện thời gian mua hàng chưa quá 14 ngày và thời gian vào game không quá 2h, đồng thời có thể hủy pre – order bất cứ lúc nào và được hoàn lại toàn bộ tiền, nếu như tựa game đặt trước đã được phát hành thì có thể xin được trả hàng theo như điều khoản phía trên.

    Những chính sách này của Epic Games Store về cơ bản giống hệt như Steam, tuy nhiên vẫn còn những thiếu sót khi đổi trả DLC. Hãng chỉ nói chung chung rằng: “Nếu như bạn nhận được tiền hoàn trả cho một tựa game thì bạn cũng sẽ được hoàn trả toàn bộ tiền cho các item in-game hoặc các nội dung tải thêm, miễn là những nội dung này chưa bị bán, sửa đổi hay chuyển sang nơi khác”. Vấn đề đã xuất hiện, nếu như người chơi chỉ muốn trả lại DLC chứ không phải là cả tựa game thì sao? Có thể thấy về mặt này chính sách của Epic vẫn còn lỗ hổng, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người chơi.​

    [​IMG]

    Ngoài ra Epic Games cũng nhắc tới tình huống khi người chơi vừa mua game xong thì tựa game đột ngột giảm giá. Trong trường hợp này chỉ cần phù hợp với những điều kiện trả hàng đã nêu ở trên, người chơi có thể trả hàng rồi đặt mua lại tựa game với mức giá ưu đãi, hãng sẽ không coi đây là hành vi lạm dụng không lành mạnh. Hãng cũng sẽ tiến hành trợ giá cho các quốc gia nằm ở các khu vực khác nhau (tổng cộng 130 quốc gia) giống như Steam.

    Cuối cùng, Galyonkin cũng nhắc tới một tính năng mà Epic Games Store còn thiếu: đánh giá. Ông cho biết họ sẽ chuẩn bị cung cấp hệ thống đánh giá cho người chơi, tuy nhiên đây không phải là một ứng dụng tự động, nhà phát triển có thể lựa chọn có cung cấp đánh giá hay không. Ông chia sẻ: “Chúng tôi muốn đưa ra một giải pháp đối phó với những bình luận đánh giá ác ý, cạnh tranh không lành mạnh.”





Chia sẻ trang này

Tin mới nhất