Đằng sau cuộc sống những đứa trẻ trên đường phố

mjuxinh
  1. Trong khi bạn bè cùng trang lứa được bố mẹ chăm bẵm, nâng niu, lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ, được đến trường với những bộ quần áo mới đắt tiền, được chơi những món đồ chơi hiện đại, xa xỉ thì các em vẫn đầu trần chân đất lang thang khắp các con đường ngõ phố để kiếm sống.

    Đã có rất nhiều những so sánh giữa những đứa trẻ ngày nay với những đứa trẻ của một thời mà người ta gọi là “ngày xưa ấy”, cái ngày mà “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, rằng trẻ con bây giờ sướng lắm, đầy đủ lắm, nào quần áo đẹp, đồ chơi đầy nhà, chơi game, chơi điện tử nhoay nhoáy… Thế nhưng có hẳn là đứa trẻ nào cũng may mắn có được một cuộc sống đầy đủ, vô lo vô nghĩ như thế?

    [​IMG]


    Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hòa Bình – cái tên mà chỉ cần nghe đến thôi người ta sẽ nghĩ ngay đến một tỉnh miền núi vẫn còn nghèo nàn và lạc hậu, mặc dù có thể sự phát triển của nó hiện tại đã khác rất xa so với suy nghĩ của nhiều người. Tôi may mắn khi những năm tháng tuổi thơ không ghi đậm dấu ấn của sự quá khó khăn hay thiếu thốn. Có nghĩa là, tôi vẫn được mẹ mua cho những chiếc áo quần lành lặn, váy áo đủ màu, vẫn được bà thưởng cho những con búp bê nhỏ xinh khi cuối năm đạt học sinh giỏi… Mà bạn biết đấy, đối với những đứa trẻ ở cái khoảng thời gian hơn 15 năm về trước, thì đó là những món quà vô cùng tuyệt vời rồi.

    Bước chân xuống Hà Nội học đại học, với sự xa hoa của ánh sáng, của những tòa nhà cao tầng, sự tấp nập của dòng người, xe cộ, và vô số những điều mới lạ khác, tôi tưởng như đó là một cuộc sống rất khác so với sự bình yên, giản dị ở quê nhà. Ngỡ như ở đó, con người ta dễ bị choáng ngợp bởi sự hào nhoáng, rộn rã và giàu có. Thế nhưng một bức tranh sẽ luôn có những mảng màu sáng tối, đậm nhạt khác nhau. Tôi vẫn thấy ở đó, dấu chân của những đứa trẻ mồ côi, sống lang thang cơ nhỡ, những đứa trẻ mà so với “ngày ấy”, tức là hơn 15 năm về trước, tôi vẫn thấy mình may mắn hơn chúng bây giờ.

    [​IMG]


    Mỗi lần dạo quanh trên đường phố Hà Nội, chẳng ít lần tôi bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ lang thang bán báo, đánh giày, cả trai lẫn gái. Có những đứa 13, 14 tuổi, nhưng cũng có những đứa trẻ thậm chí chỉ mới 7, 8 tuổi. Nước da đen nhẻm, tóc tai cháy một màu vàng giòn của nắng, quần áo không rách chỗ này chỗ kia thì cũng nhem nhuốc ít vết bẩn. Duy chỉ có đôi mắt, đen và rất sáng, dù có đượm buồm nhưng vẫn ánh nên sự hồn nhiên, non nớt của tuổi thơ. Những khi ấy tôi lại thường nhớ đến câu hát: “Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm khát nước biết người nào lo?”. Và đôi khi vẫn băn khoăn tự hỏi tiền bán báo, đánh giày có đủ giúp các em ăn đủ no, mặc đủ ấm.

    [​IMG]


    Đó là những đứa trẻ đến từ những vùng quê khác nhau và đều có những hoàn cảnh éo le riêng. Đứa thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, không ai nuôi nấng, chăm sóc nên phải tự bươn chải để kiếm sống. Đứa thì gia đình đầy đủ thật đấy, nhưng lại quá nghèo để được ăn no, mặc ấm, nên chính bản thân em cũng trở thành nhân lực lao động chính của gia đình… Trong khi bạn bè cùng trang lứa được bố mẹ chăm bẵm, nâng niu, lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ, được đến trường với những bộ quần áo mới đắt tiền, được chơi những món đồ chơi hiện đại, xa xỉ thì các em vẫn đầu trần chân đất lang thang khắp các con đường ngõ phố để kiếm sống.​

    Một lần đi xe bus, tôi vô tình gặp một bé trai chừng 8 tuổi, trước ngực đeo một giỏ hàng với toàn tăm gói và kẹo cao su. Em hồn nhiên kể với chú phụ xe về công việc hàng ngày của mình, những câu nói ngây thơ non nớt nhiều khi khiến cả xe phải bật cười. Rồi khi thấy bạn nhỏ ngồi cùng mẹ ghế bên cạnh chăm chú chơi game trên điện thoại, cậu bé tò mò theo dõi chăm chú và tỏ ra vô cùng thích thú như chính mình là người đang chơi vậy. Ừ, phải rồi, một đứa trẻ sống lang thang, mồ côi, ăn còn không đủ no thì đâu có bao giờ được thử cảm giác chơi những trò chơi “lạ” như thế.

    [​IMG]


    Rồi cũng vài ngày mới đây thôi, khi tôi làm cộng tác viên phát hành sách cho Hội chợ sách Quốc tế ở Công viên Thống Nhất, nhiều lúc tôi vô tình được chứng kiến cảnh các em cùng nhau nô đùa trong công viên, bên cạnh đó vẫn còn la liệt những nón áo, hòm đánh giày, báo, túi ni lông đựng đồng nát. Những vẻ mặt khắc nghiệt được thay thế bằng những nụ cười thật vô tư, hồn nhiên và trong sáng. Thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những ánh mắt của chúng nhìn chăm chú vào các gian hàng sách với những quyển truyện đầu màu sắc, hay những gian hàng bánh Trung thu bên cạnh với hình ảnh những chiếc bánh đầy hấp dẫn. Nhận ra trong những ánh mắt trong veo ấy là tất cả sự thèm muốn và ước ao, được có, được sở hữu. Lúc ấy tự hỏi mình rằng, không biết đã bao giờ các em được đắm mình trong những quyển truyện đầy màu sắc kia hay được một lần hưởng trọn một ngày Tết thiếu nhi hay Tết Trung thu đúng nghĩa chưa?

    [​IMG]


    Cuộc sống quanh ta vẫn luôn còn bộn bề những lo toan và bất trắc, và ở đâu đó vẫn luôn còn những đứa trẻ lang thang, không nhà không cửa, không người che chở yêu thương. Dù trong mỗi con người chúng ta, vẫn luôn ẩn chứa sự thương cảm không lời dành cho những đứa trẻ ấy, thế nhưng, lòng thương cảm cũng như những sự giúp đỡ nhỏ nhoi ấy, bao nhiêu là đủ, bao nhiêu mới có thể thay đổi một tương lai mịt mù phía trước, có chăng chỉ bằng sự vươn lên của chính những đứa trẻ đó mà thôi!​



Chia sẻ trang này

Tin mới nhất