Đã bắt giam "cháu" của "ông chú ở Viettel" ngày 8/1/2015

Bomer
  1. Trong năm qua, cụm từ “ông chú ở Viettel” không còn xa lạ với người dùng mạng xã hội Facebook. Lợi dụng sự cả tin và lòng tham của nhiều người, cái bẫy chương trình khuyến mại đặc biệt khiến không ít người “dính mồi”.

    Theo thống kê của Bkav, "ông chú ở Viettel" là một trong ba dạng lừa đảo phổ biến nhất trên mạng Facebook ở Việt Nam trong năm 2014. “Người đàn ông có nhiều cháu nhất Việt Nam” không xa lạ với nhiều người dùng Facebook trong năm 2014. Lợi dụng sự cả tin và lòng tham của người dùng, kẻ xấu tung tin về việc có ông chú làm ở Viettel tiết lộ thông tin về chương trình khuyến mãi đặc biệt với tài khoản cao gấp 10, 20 lần mệnh giá thẻ nạp.


    [​IMG]
    Đối tượng Nguyễn Anh Tuấn, "Cháu" của "ông chú làm ở Viettel";bị bắt tạm giam sau khi chuyên án được khép lại

    [​IMG]
    Các thông tin được chia sẻ trên Facebook


    Những nội dung được tung ra chủ yếu như: “Nhân dịp kỉ niêm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1944 - 22/12/2014. Từ ngày 1/12/2014 đến ngày 22/12/2014 nhân viên công ty của Viettel sẽ được nhận một mã số bí mật, khi nạp tiền vào tài khoản thông qua mã số bí mật ấy sẽ được khuyến mại x10 giá trị thẻ nạp được. Tin này chỉ trong nội bộ Viettel mới biết. Nhà mình có người làm ở viettel và đã hướng dẫn mình vừa nạp 1 cái thẻ 100k thử trước thấy được mình mua thêm cái thẻ nạp tiếp, tài khoản của mình hiện tại là 2 triệu rồi”. Các bước hướng dẫn nạp tiền cũng được ghi đầy đủ. Thậm chí còn có lưu ý cho cả người nạp “mỗi sim chỉ nạp được 1lần duy nhất. Tài khoản gốc bạn phải có ít nhất 1000vnđ mới thực hiện đc nhé! Đây là cơ hội hiếm nên các bạn làm ngay đi”.

    Để nhận khuyến mại, người dùng được hướng dẫn cú pháp nạp thẻ, trong đó dãy số bí mật để xác thực là nhân viên của Viettel như “quảng cáo” chính là số điện thoại của kẻ xấu. Khi người dùng thao tác theo cú pháp kẻ xấu cung cấp, số tiền người dùng nạp được chuyển thẳng đến số điện thoại nói trên.

    Các “ông chú tuổi 9X”


    Qua đấu tranh phá án, các chiến sĩ cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) đã bắt giữ các đối tượng có hành vi chiếm đoạt tài sản qua việc tung tin “ông chú ở Viettel”. Chuyên án với bí số 123-D được lập ngay sau khi cơ quan điều tra nhận được đơn thư của các nạn nhân. Do hám lợi với số tiền khuyến mại “khủng” giống như lời quảng cáo trên Facebook không ít nạn nhân đã sập bẫy. Cơ quan điều tra đã bắt giữ đối tượng Đỗ Văn Dũng (SN 1995) tỉnh Quảng Trị về hành vi chiếm đoạt tiền qua 2 website www.napthe3s.comwww.thecao3s.com

    Tại cơ quan điều tra, đối tượng Đỗ Văn Dũng đã khai nhận từ tháng 10/2014, Dũng truy cập trên mạng Internet tìm hiểu một số website nạp thẻ điện thoại khuyến mại, xây dựng các website, cách thức thanh toán Gamebank để cho khách hàng nạp thẻ vào rồi chiếm đoạt. Dũng đã đăng tin trên website www.napthe3s.com của mình với nội dung: “nếu khách hàng nạp thẻ cào điện thoại qua website sẽ nhận được số tiền gấp 10 lần giá trị thẻ nạp mặc dù các nhà mạng viễn thông không có chương trình khuyến mại này. Khi khách hàng nạp thẻ, hệ thống sẽ tự động nạp thẻ vào 3 tài khoản Gamebank của Dũng. Chỉ với hành vi trên, tổng số tiền mà Dũng đã chiến đoạt được trên 30 triệu đồng.​


    [​IMG]
    Trang nạp thẻ giả mạo có logo của các nhà mạng nhằm tăng độ tin cậy


    Hay như đối Nguyễn Anh Tuấn (SN 1992) cũng với những chiêu lừa tương tự như Đỗ Văn Dũng, các nạn nhân sẽ nạp thẻ vào trang www.bugthecao.com sau đó tiền sẽ chuyển về tài khoản của Tuấn. “Ngồi mát được bát vàng”, Tuấn đã chiếm đoạt được trên 8 triệu đồng từ các nạn nhân.

    Theo Đại úy Vũ Việt Anh – Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, khi các nạn nhân click vào các đường link trên mạng xã hội Facebook, sẽ có một trang nạp tiền khác hiện ra để cho nạn nhân nạp tiền. Trên các trang đó, sẽ có các hướng dẫn nạp thẻ. Toàn bộ số tiền nạn nhân nạp sẽ chuyển về tài khoản của các đối tượng. Đây là một hiện tượng diễn ra khá phổ biến, vì nhiều người hám lợi với số lượng tiền khuyến mại lớn. Mệnh giá mà các nạn nhân nạp từ 20.000 đồng, 50.000 đồng thậm chí có cả mệnh giá 200.000 đồng, nhưng phổ biến nhất vẫn là mệnh giá 50.000 đồng. Các nhà mạng không bao giờ đưa ra các mức khuyến mại khủng như vậy. Người dân cũng không nên ham lợi, tò mò truy cập vào các trang nạp tiền để tránh tình trạng mất tiền oan.

    Trước sự phổ biến của hình thức lừa đảo này, nhà mạng Viettel đã phải đưa ra thông báo tới khách hàng khẳng định không có chương trình khuyến mãi đặc biệt nào trên Facebook. Viettel cũng khuyến cáo người dùng có thể gọi điện lên tổng đài của nhà mạng để xác thực khi gặp các trường hợp nghi vấn lừa đảo.

    Theo Người đưa tin




Chia sẻ trang này

Tin mới nhất