Con trai tôi bị tự kỷ và game đã giúp bố con tôi gần nhau hơn

Hard
  1. Câu chuyện cảm động về một ông bố lấy game để giao tiếp với đứa con trai bị tự kỷ của mình. Hãy đọc và suy ngẫm vì game mang giá trị nhiều hơn là để giải trí.

    Với xã hội và thậm chí là chính chúng ta, game phần nhiều là để giải trí. Nó dường như là định nghĩa bất di bất dịch ám ảnh trong tâm trí của phần lớn con người kể từ khi họ biết game là gì. Nhưng khi làng giải trí ảo bắt đầu tiến gần hơn đến giá trị của một trường phái nghệ thuật, game vì thế cũng mang ý nghĩa vượt xa hơn mục tiêu nguyên thủy của nó.

    Bạn đọc hẳn vẫn còn nhớ về những bài viết mà GameHub thực hiện xung quanh That Dragon, Cancer - một tựa game... mà chẳng phải là game. Nói đúng hơn That Dragon, Cancer như là một bản thể ảo cho hành trình của Joel Green - cậu bé qua đời khi mới 4 tuổi vì căn bệnh ung thư. Mong muốn kể lại quãng thời gian ngây thơ nhưng đầy kiên cường của cậu bé, cha mẹ cậu quyết định lấy game trở thành cầu nối chuyển tải ý nguyện của mình..

    [​IMG]

    Đó chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho mục đích của game vào thời điểm hiện tại, vượt xa khỏi những nhu cầu giải trí cơ bản của con người và hướng tới một thứ gì đó lớn lao hơn. Câu chuyện được đăng tải mới đây trên "The Guardian" cũng mang phần nào ý nghĩa ấy, khi mà một người cha nhìn thấy trong game cách kết nối với đứa con trai tự kỷ của mình.

    GameHub xin dịch lại bài viết này cho các bạn đọc Việt Nam. Bài viết được thực hiện bởi tác giả Keith Stuart trên tờ The Guardian, như là lời giới thiệu cho cuốn tiểu thuyết "A Boy Made of Blocks" - "Có một cậu bé được tạo nên bởi những khối xếp hình".

    [​IMG]


    Con trai tôi 7 tuổi khi được bác sỹ nhi khoa chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ, nhưng thực sự gia đình chúng tôi đã biết điều đó từ nhiều năm nay. Luôn có những giới hạn nào đó trong khả năng phát âm, khi Zac chỉ đánh vần được vài từ năm ba tuổi, hay luôn có thói quen lẫn lộn câu cú với nhau. Cu cậu cũng luôn gặp khó khăn khi giao tiếp với những đứa trẻ khác ở bệnh viện và ngay cả sau này khi đi học, những trải nghiệm trường lớp còn trở nên khó hiểu hơn nhiều trong mắt Zac. Trong khi ấy, nếu có thích thú bất cứ điều gì, dù đó là hoạt hình Peppa Pig hay Superman, thì Zac cũng trở nên mê mẩn đến độ quên hết mọi thứ xung quanh. Cả nhà đều biết những biểu hiện ấy đang chỉ ra điều gì.

    Khi gia đình bạn gặp phải sự việc như thế này thì sẽ có rất nhiều thứ cần lo lắng: Chuyện gì sẽ xảy ra với con đường học hành? Liệu con mình có bạn bè không? Chúng sẽ sống độc lập thế nào khi trưởng thành? Nhưng trên tất cả, câu hỏi chính lại nằm ở nhu cầu cơ bản nhất của con người: khả năng thể hiện bản thân mình. Zac thường cố gắng nói với chúng tôi về những thứ cu cậu thích, hay những việc mà cu cậu làm ở trường, nhưng khả năng từ vựng luôn khiến Zac thất vọng mỗi khi cần đến nhất. Vì thế vào những lúc ấy Zac sẽ mất tự chủ. Chúng tôi cố gắng giúp đỡ, đoán xem những gì mà Zac muốn nói, nhưng chính việc ấy lại khiến cu cậu trở tức giận hơn. Chứng kiến điều ấy diễn ra thật sự khiến chúng tôi đau lòng.

    Nhưng có một ngày, hồi Zac ba hay bốn tuổi gì đó, tôi đang chơi game và khởi động một tựa Playstation 3 có tên LittleBigPlanet. Nó dạng như một tựa game Platform với nhân vật chính là chú hình nộm bé nhỏ mang tên Sackboy. PS3 có cơ chế cảm ứng chuyển động ở tay cầm, nên khi bạn xoay tay cầm thì Sackboy cũng gật đầu theo. Tôi để Zac chơi, cu cậu lập tức cảm thấy ngạc nhiên và hết sức vui mừng. Khi Sackboy phản ứng lại với hành động Zac, cu cậu cười không ngớt. Đó là một sự kết nối ngay từ cái nhìn đầu tiên.

    [​IMG]


    Từ đây hai bố con luôn chơi cùng nhau. LittleBigPlanet có một công cụ tạo màn chơi cho phép bạn sáng tạo theo nhiều cách nhưng Zac luôn cảm thấy vui hơn khi nâng một món đồ nào đó trên màn hình rồi thả chúng xuống. Cu cậu học cách điều khiển rất nhanh chóng, cảm giác sở hữu như một mối liên kết ngầm với chính tựa game.

    Chúng tôi chuyển sang chơi rất nhiều game sau đó như Lego Batman, Lego Star Wars, cho phép cả hai bố con có thể cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ và khám phá. Ban đầu, tôi sẽ tự mình giải quyết các câu đố mà game đề ra trong khi nhân vật của Zac sẽ lo phần việc đập phá. Nhưng từ từ, vai trò của hai bố con bắt đầu thay đổi. Những tựa game ấy cho hai bố con những khoảng không tự do để chơi đùa với nhau, để cùng nhau vui vẻ. Từ đấy tôi và Zac làm nhiều việc hơn với nhau như đọc sách hay chơi trong công viên.. nhưng game mới là nơi thực sự gắn kết hai bố con nhất. Chứng tự kỷ không còn là rào cản nữa, có cảm giác như căn bệnh ấy đã bị giải phóng khỏi thân thể Zac.

    [​IMG]


    Hai năm sau đó, Minecraft - tựa game từng rất thành công trên PC, chính thức phát hành trên Console. Trong Minecraft, người chơi có thể thoải mái làm điều mình muốn, cung cấp môi trường tự nhiên khổng lồ cho phép bạn xây cất nhà cửa, thành lũy, nuôi trồng cây cối, khai khoáng hầm mỏ hay kiếm tìm kho báu. Zac ngay lập tức đắm chìm vào tựa game. Với cu cậu, đây như là một sân chơi khổng lồ, chứa đầy những trải nghiệm và thử nghiệm mới. Nhưng đồng thời nó cũng là một sân chơi an toàn, và như thường lệ Zac ngay lập tức nắm vững luật chơi.

    Zac chơi cùng tôi với em trai Albie, và cho dù Zac chưa đủ kiên nhẫn để xây những công trình nhiều tầng nhưng rõ ràng cu cậu hiểu rất rõ cách tựa game hoạt động. Ví như cách thức ngày đêm ảnh hưởng ra sao đến mọi thứ xung quanh hay kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để tạo thành các công cụ hữu dụng.

    Trong khi Zac luôn thấy vô cùng khó khăn để ngồi xuống với tờ giấy và chiếc bút trên tay, cu cậu lại có thể ngồi hàng giờ liền để tạo ra những món đồ, xây dựng những căn lều hay các tòa thành đôi phần xiên vẹo. Ba bố con tự tạo ra những dự án nho nhỏ trong game, tham gia với vai trò ngang nhau như xây một công trình nào đó hay khám phá các hang động khổng lồ. Khi chúng tôi chơi, Zac còn học thuộc tất cả tên tuổi của những thứ mà người chơi có thể khai thác hay chế tạo, và lúc nào cũng nói mãi về chúng. Trong cuộc sống thật, cu cậu thấy mình thật khó khăn trong việc bộc lộ bản thân, nhưng trong Minecraft, mọi thứ trong đôi mắt Zac đều trở nên có lý. Thật sự với một ông bố như tôi chứng kiến điều đó là vô cùng hạnh phúc.

    [​IMG]


    Đó cũng là lý do cho tôi viết nên cuốn tiểu thuyết của mình: "A Boy made of Blocks" - "Có một cậu bé được tạo nên bởi những khối xếp hình"... một câu chuyện về hành trình của một ông bố xây dựng mối quan hệ với đứa con trai tự kỷ qua Minecraft. Tôi muốn viết về một điều gì đó tích cực trong vai trò của game đối với các gia đình ngày nay, cũng như cách chúng mang tới khoảng không để trò chuyện, để giải trí và trở nên sáng tạo hơn.

    Một điều khác mà tôi khám phá ra đó là Zac không phải là trường hợp duy nhất, rất nhiều trẻ em mắc chứng tự kỷ thích chơi game. Không khó để nhìn ra lý do tại sao: chơi game mang tới các trải nghiệm về hình ảnh và âm thanh vô cùng sống động, trong khi đòi hỏi sự tập trung cao độ từ người chơi.

    Game là một thế giới khép kín với những quy luật và biên giới rõ ràng - mọi thứ đều có những logic bất biến. Đây là tính chất đặc trưng mà những trẻ em mắc chứng tự kỷ dường như rất khao khát để được tương tác. Nhưng đồng thời cũng trong cái thế giới với quy luật logic ấy, người chơi có thể tự do khám phá và nghịch ngợm theo cách riêng của mình. Bạn có nơi chốn của riêng và bạn có toàn quyền với nó. Đây có lẽ là thứ mà mọi trẻ em đều thiếu ở một chừng mực nhất định, nhưng đối với trẻ em mắc chứng tự kỷ, chúng còn cảm thấy tuyệt vọng và bị vùi dập nhiều hơn bởi cái thế giới thực xung quanh mình.

    [​IMG]


    Kể từ khi bắt đầu viết cuốn sách của mình, tôi đã biết tới hằng trăm nhà phát triển và các bậc phụ huynh chia sẻ về trải nghiệm của mình. Trong Minecraft nay đã có vài chục server dành riêng cho các trẻ em mắc chứng tự kỷ, ví như AutCraft hay SafeCraft, nơi mà chúng có thể chơi đùa cùng nhau mà không sợ bị bắt nạt hay xúc phạm. Cũng có một số lượng ngày càng tăng các tựa game cung cấp những môi trường sáng tạo, trải dài từ cộng đồng Roblox nơi mọi người tự làm và chia sẻ các sản phẩm đơn giản, cho tới Super Mario Maker cực kỳ thành công của Nintendo, khi cho phép người lớn cũng như trẻ em tạo lập các màn chơi riêng cho Mario.

    Trong khi đó về khía cạnh giả lập, Kerbal Space Program hay SimCity cũng cung cấp những công cụ tuyệt vời để trẻ em học hỏi về khoa học, kiến trúc và nhiều điều khác. Trên tất cả, chính những người bố người mẹ cũng có thể học hỏi từ các tựa game này, khi cả gia đình cùng ngồi với nhau để chế tạo một con tàu không gian hay xây dựng cả một thành phố công nghiệp khổng lồ. Đây cũng sẽ là một trải nghiệm mới mẻ và khác lạ, nơi mà trẻ em có khi lại nắm giữ vị trí chỉ huy và gánh vác trọng trách quan trọng nhất.

    Tất nhiên cũng có những vấn đề trong mối quan hệ giữa game và trẻ em mắc chứng tự kỷ. Nghiên cứu từng cho thấy rằng trẻ em mắc chứng này thường thu hút nhiều hơn vào các phương tiện giải trí có sử dụng màn hình điện tử, đặc biệt là game. Vì thế thời lượng tiếp cận với game quá đà có thể dẫn tới những kết quả ngược lại. Tuy nhiên như mọi điều khác trong việc làm cha làm mẹ, trách nhiệm của chúng ta là điều chỉnh và hòa mình vào những việc con cái đang làm.

    [​IMG]


    Nhưng có một điều chắc chắn tôi biết được khi viết về trẻ em tự kỷ và game, đó là tôi nhận được rất nhiều phản hồi của các bậc cha mẹ chia sẻ về chính trải nghiệm của mình. Họ thấy thực sự bất ngờ khi con cái họ tự tay gây dựng nên những biệt thự, công viên hay pháo đài kiên cố. Tôi nghĩ đặc điểm của game là mang tới các dạng tương tác và khám phá sáng tạo, những điều mà vô tình trở nên đồng điệu với cách mà những trẻ em thiệt thòi nhìn ra ngoài thế giới. Bản thân tôi cũng khám phá ra rất nhiều điều qua việc chơi Minecraft cùng với Zac, thấy cảnh cu cậu bàn tán, nói chuyện với em trai mình.

    Bước tiếp theo của tôi có lẽ sẽ là dạy Zac lập trình, nhưng chỉ dừng lại ở những ngôn ngữ rất đơn giản như Scratch. Ranh giới giữa chơi và làm game là vô cùng mờ ảo, nhưng tôi nghĩ mọi thứ về cơ bản đều là sự sáng tạo. Ngay từ thời điểm nhìn thấy Zac thưởng thức LittleBigPlanet tôi đã biết tựa game đã trở thành lựa chọn của cu cậu.

    Tôi đoán chủ đề chính của cuốn tiểu thuyết mà tôi viết đó là chúng ta, với vai trò của các bậc làm cha làm mẹ, cần phải gặp gỡ những đứa con của mình ở nơi mà chúng cảm thấy thoải mái nhất, rồi sau đó mới bắt đầu hiểu rõ nhau hơn. Chỉ có điều là đôi khi những nơi ấy chỉ tồn tại trên màn hình điện tử và chúng ta sẽ phải đẩy bản thân mình bước xa hơn một chút để kiếm tìm chúng.​


    Theo The Guardian.


    Bạn đọc cũng có thể tìm hiểu thêm chi tiết về cuốn sách "A Boy Made of Blocks" qua đường dẫn:



Chia sẻ trang này

Tin mới nhất