Thế nhưng vị chủ quán game hài hước này lại đưa ra một tuyên ngôn sống đi ngược lại hoàn toàn: “Lười biếng và chậm chạp chính là phương thức giúp chúng ta sống thọ hơn”. Có thể nói, trong bất kỳ một lĩnh vực kinh doanh nào, chiêu thức PR cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Quảng cáo càng độc, càng lạ, càng gây được sự tò mò thì hiệu quả kinh doanh càng lớn. Đối với các ông chủ quán game thì chiêu thức đó cũng không phải là ngoại lệ. Nắm bắt được đúng tâm lý khách hàng, từ trước tới nay, việc các game thủ “Chí Phèo” nợ tiền chơi tại các quán game khiến cho hàng loạt các chủ quán game phải đau đầu. Có tới 1001 cách “xin nợ”, thậm chí “quỵt nợ”. Không ít trong số đó, theo như chủ các quán game chia sẻ thì không kém về độ lỳ so với nhân vật mang tính “tượng đài” của làng Vũ Đại trong tác phẩm của Nam Cao. Có lẽ do lo ngại điều đó mà chủ quán game này ngay trong biển quảng cáo đã ghi rõ quy định thành hẳn một bài thơ 4 chữ: “Thanh niên nghiêm túc/ Có tiền ngồi chơi/ Hết tiền ngồi xem/ Không nợ lem nhem/ Mất lòng chủ khách”. Điều này cũng giúp các game thủ xác định rõ thái độ khi chơi, biết điểm dừng đúng lúc, “hết tiền thì không nên ham hố”. Vị chủ quán hài hước cũng rất dễ tính trong khoản chiều lòng khách hàng - thượng đế: “Chuột và bàn phím lỗi cứ nói, anh sẽ thay ngay trong vòng một nốt nhạc”. Tuy nhiên trong các trường hợp “chơi ngu đổ tại chuột hay đập phá chuột, bàn phím”, chủ quán cũng sẽ rất hào phóng khuyến mại ngay combo “vô ảnh cước, nộ long cước tại chỗ”. Điểm gây chú ý nhất có lẽ là ở “phương châm sống vui - khỏe – có ích” mà chủ quán này bày ra cho các game thủ. Điều đáng nói là tuy phương châm có hơi đi ngược lại với khoa học nhưng dẫn chứng chứng minh thì lại vô cùng xác đáng: “Ruồi bay liên tục, sống được 2 tuần. Thỏ nhảy nhót suốt sống được 8 năm. Chó hay chạy, sống được 15 năm. Rùa chẳng làm gì, thọ tới 150 năm”. Từ đó mà có thể rút ra một phương châm sống còn cho các game thủ: “Lười biếng và chậm chạp chính là phương thuốc giúp chúng ta sống thọ hơn”. Cách lý giải có phần hơi ngược đời nhưng không thể phủ nhận đây chính là phần “khiêu gợi” nhất trong lời quảng cáo. Tuy ai cũng thừa biết là nó vô lý nhưng vẫn không thể cưỡng lại nổi sự mời gọi đầy hấp dẫn của nó. Quảng cáo càng độc và lạ thì càng thu hút được nhiều khách hàng, trong quảng cáo game thì lại càng cần thiết yếu tố đó, vì tâm lý chung của game thủ là ưa cái mới lạ, thích khám phá và chinh phục. Tuy nhiên quảng cáo thì vẫn là quảng cáo thôi, thực tế đã chứng minh rằng, lười vận động chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ, suy nhược cơ thể, giảm tuổi thọ và sức đề kháng. Có thể bình thường bạn chỉ ngồi yên một chỗ để chơi game, nhưng thực tế thì những gì diễn biến trong cơ thể và tâm trí của bạn là khá mạnh mẽ. Và đã có nhiều game thủ không may mắn khi phải trả giá cho những đam mê có phần quá đà của mình. Berzerk là một ví dụ sớm nhất về trò chơi video gây ra cái chết ngoài đời thực. Vào tháng Tư năm 1982, một game thủ 18 tuổi tên là Peter Pukowski sau khi đạt được một số điểm cao trong Bererk đã đổ gục vì một cơn đau tim, do hệ thống tim mạch bị tổn hại vì bị kích động từ trò chơi mà anh chàng đã chơi trong một thời gian dài. Theo đó, một bài viết tháng 10 năm 1982 trong tạp chí Games đã đưa ra một nghiên cứu chứng minh rằng, chơi game giúp giải tỏa stress, nhưng khi chơi quá nhiều sẽ phản tác dụng, chính bản thân nó lại là tác nhân gây ra căng thẳng cho người chơi. Bởi vậy các game thủ nhà ta nên nhớ rằng, chơi game để giải trí thì được, còn đừng nên lấy chơi game ra để làm bí quyết “trường sinh bất lão” của mình nhé!