CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng - Tiên phong chấp nhận gió bão?

Bomer
  1. 20 "sống trong dư luận", khi được trìu mến gọi là "Bác sĩ máy tính", được phong tặng tước hiệu hiệp sĩ công nghệ, khi bị "ném đá" là "nổ", là "bom"..., Nguyễn Tử Quảng vẫn chỉ có một cách ứng xử: mỉm cười và trung thành với cách sống của mình.

    Sẽ là thừa khi nhắc đến những gì Nguyễn Tử Quảng tạo dựng được. Mười năm miệt mài diệt virus miễn phí cho cộng đồng, thêm mười năm kinh doanh để có được thương hiệu phần mềm diệt virus có thị phần lớn nhất Việt Nam và trở thành tập đoàn công nghệ cung cấp nhiều giải pháp điện tử hữu dụng là thời gian đủ dài để ông khẳng định thực lực trên thương trường.


    [​IMG]
    Ông Nguyễn Tử Quảng - Tổng Giám đốc BKAV


    Từ khi Việt Nam mới bắt đầu làm quen với công nghệ thông tin, cựu giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội này đã có niềm tin mãnh liệt rằng dù đi sau nhưng Việt Nam vẫn có thể sở hữu những công nghệ tiên tiến, sản xuất ra những sản phẩm đủ sức chinh phục thế giới.

    Sau phần mềm diệt virus BKAV, ứng dụng văn phòng điện tử eOffice, nhà thông minh SmartHome..., cách đây hơn 4 năm, tháng 9/2010, BKAV khởi động dự án Bphone, sản xuất điện thoại thông minh "designed by Vietnam" bằng cách mua tên miền Bphone.vn, nhằm trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có thể thiết kế một smartphone đẹp, thông minh như các smartphone hàng đầu thế giới hay không?

    Năm năm miệt mài nghiên cứu, câu hỏi ấy đã có lời đáp: Bphone ra đời. Tuổi đời của Bphone mới tính bằng ngày, vẫn đứng giữa hai luồng dư luận, có khen có chê...

    * Ông cảm thấy thế nào sau màn ra mắt chiếc smartphone "Made in Vietnam?" đầu tiên?
    - Đối với chúng tôi, bây giờ mọi thứ mới thực sự bắt đầu. Tôi biết, với thị trường khó tính như Việt Nam thì phải chinh phục bằng kết quả cuối cùng, nghĩa là có chiếm được thị trường hay không. Điều này cần thời gian mới chứng minh được.

    Tôi còn nhớ, với phần mềm diệt virus cũng vậy, chúng tôi cũng từng nhận được rất nhiều sự hoài nghi. Cuối cùng, đến thời điểm này, có thể nói phần mềm diệt virus của BKAV đã chiếm thị phần áp đảo trước các sản phẩm của nước ngoài.

    Một sản phẩm công nghệ có rất nhiều yếu tố mà cần phải có đủ thời gian và nhiều khi cả tranh cãi để người sử dụng biết đến và hiểu về nó.

    * Dường như ông muốn gửi gắm thông điệp gì đó sau màn ra mắt Bphone?
    - Ngày ra mắt chính thức chỉ là một phần của cả lộ trình để mọi người hiểu về sản phẩm. Đó là kết quả của cả quá trình từ đầu tháng 1/2015, khi Bphone xuất hiện ở CES 2015. Với tôi, sự kiện không hề phô trương mà rất thực chất.

    Cũng giống như một bức tranh quý, có người đánh giá nó chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng khi vào tay người am hiểu, họ biết nó có thể trị giá hàng chục, thậm chí cả trăm triệu USD. Tuy nhiên, để có thể hiểu đúng giá trị bức tranh, những người này đã phải mất nhiều năm trải nghiệm, tìm hiểu... từ trước đó.
    Đây là một chiến dịch. Đã có số liệu thống kê cho thấy chiến dịch vừa rồi của Bphone ở Việt Nam còn thu hút hơn các sự kiện ra mắt iPhone, Samsung Galaxy..., thể hiện ở số lượt bình luận, ở những trạng thái cảm xúc của người dùng trên các trang mạng xã hội.

    Còn về thông điệp, nó nhất quán trong con đường của BKAV từ trước đến giờ: Chúng tôi muốn người Việt Nam tin những gì những tập đoàn lớn nhất trên toàn cầu làm được thì người Việt Nam cũng làm được. Chúng ta chỉ thiếu niềm tin vào chính mình, vào dân tộc mình.

    * Với Bphone, ông muốn làm thương hiệu cho BKAV hay muốn bán sản phẩm? Rõ ràng Bphone sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều smartphone cao cấp khác và quan trọng hơn là cạnh tranh trong một thị trường smartphone dường như đã bão hòa, ngay thời điểm những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới cũng đã đặt nhà máy tại Việt Nam?
    - Chúng tôi đã sản xuất một sản phẩm cao cấp với giá thành hợp lý, đồng thời có chiến lược truyền thông hiện đại. Tất cả để mọi người thấy người Việt đã làm được những gì mà những tập đoàn lớn nhất trên thế giới đã làm.

    Tôi muốn mọi thanh niên Việt Nam hãy tự tin là chúng ta sẽ làm được nhiều điều vĩ đại. Và dĩ nhiên, việc cạnh tranh để chiến thắng các thương hiệu ngoại là thứ yếu và nó chỉ là hệ quả của công việc chúng tôi làm, chứ không phải mục tiêu hàng đầu.

    * Phần mềm diệt virus, eOffice, SmartHome và bây giờ là Bphone, phải chăng ông chưa muốn dừng lại với những sản phẩm công nghệ cao "Made in Vietnam"? Theo ông người dùng chưa tin tưởng sản phẩm công nghệ của Việt Nam hay những sản phẩm đó chưa đủ sức thuyết phục họ?
    - Tham gia vào lĩnh vực này, chúng tôi đã phải có những kế hoạch dài hạn và ngay tại thời điểm này, nhiều bản thiết kế, các chương trình sản xuất thử nghiệm cho những sản phẩm tiếp theo đã được thực hiện. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi là xây dựng tập đoàn công nghệ thành công ở thị trường thế giới.
    Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng chúng tôi đã phải nỗ lực hơn nhiều lần so với các nhà sản xuất khác như Apple hay Samsung. Nói vui chứ Tim Cook có sang Việt Nam, với điều kiện của Việt Nam hiện nay thì chưa chắc đã sản xuất được smartphone.

    Công bằng mà nói thì việc người dùng thiếu niềm tin với sản phẩm công nghệ Việt Nam đến từ cả hai phía. Thời gian qua có nhiều sản phẩm của Việt Nam đã làm một cách cẩu thả, thậm chí là chụp giật.

    Việc này diễn ra trong nhiều năm, làm mất niềm tin nơi người dùng. Chúng tôi thật sự tự hào khi có cách nghĩ khác, làm khác. Tuy nhiên, chỉ một mình chúng tôi sẽ không dễ để lấy lại được niềm tin đã mất. Chúng tôi cần phải nỗ lực nhiều. Và Bphone nằm trong lộ trình này của chúng tôi.

    Về phía người dùng, tôi nghĩ họ cũng nên có những suy nghĩ rộng mở hơn, vì Việt Nam trải qua thời kỳ chiến tranh quá dài và có quá nhiều việc cần phải làm sau chiến tranh.

    Trong hoàn cảnh quá khó khăn như vậy, tính cá nhân sẽ phát triển, tính cộng đồng giảm bớt. Đó là lý do sản sinh ra những cái chúng ta gọi là ăn xổi hay chụp giật. Trong sâu thẳm, tôi nghĩ đó là do hoàn cảnh, nhưng tôi tin trong thời gian tới điều đó sẽ không còn tồn tại.

    * Đó có phải là lý do để ông "tặng" cho những sản phẩm công nghệ của BKAV những mỹ từ "thật tuyệt vời", "không thể tin được"...? Đó là hoài bão về tương lai của công nghệ "made in Vietnam" của một cựu Hiệp sĩ công nghệ thông tin hay thực sự là những thông tin đáng tin cậy vào lúc này?
    - Chúng tôi có những mục tiêu còn lớn hơn một sản phẩm. Nếu xét cụ thể căn cứ vào sản phẩm, như Bphone, là kết quả công việc của hàng trăm kỹ sư trong hơn 4 năm và với hàng chục triệu USD bỏ ra, thì rõ ràng đây không phải là chuyện đùa để tôi có thể dùng những mỹ từ đó theo kiểu "thùng rỗng kêu to".
    Khi có sản phẩm, chúng tôi phải bố trí để mọi người trải nghiệm và sau đó đưa ra thị trường. Khi đó, mọi sự nhận xét còn khắt khe hơn nữa. Những gì tôi nói sẽ ngay lập tức được kiểm chứng nên chúng tôi không thể đùa. Dự án này chúng tôi phải mất hơn bốn năm mới có thể ra mắt sản phẩm nên tôi khẳng định là chúng tôi nói hoàn toàn nghiêm túc!

    * Việt Nam có công nghiệp phần mềm có tên trên bản đồ outsourcing thế giới, có những công ty công nghệ dẫn đầu như FPT, BKAV thu hút những dự án công nghệ lớn của Intel, Samsung, Nidec... Theo ông, chừng đó đã đủ để Việt Nam có những mô hình kiểu "Thung lũng Silicon" trong tương lai?
    - Thực chất, ở Việt Nam chưa có thị trường đích thực cho công nghệ thông tin. Người dân chịu bỏ tiền ra mua bản quyền phần mềm vẫn là việc hiếm hoi. Ngay cả với các doanh nghiệp, quy mô của họ chưa đủ lớn và chưa nhận thức được lợi ích của việc ứng dụng tin học vào quản lý doanh nghiệp.

    Ở các cơ quan nhà nước cũng vậy, họ chỉ tin học hóa những công việc bắt buộc phải tin học hóa. Chính vì thế, rất khó để nuôi dưỡng được các dự án khởi nghiệp.

    Dĩ nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể vươn ra khỏi hoàn cảnh đó bằng cách coi thị trường toàn cầu là thị trường của mình, nhưng điều đó sẽ khó hơn nhiều so với việc mình có thị trường nội địa. Vì thị trường nội địa giống như cái lồng ấp giúp mình trưởng thành, là bệ phóng để mình vươn ra toàn cầu.

    Hãy nhìn vào các tập đoàn trên thế giới như Google, Microsoft, Apple..., họ có thuận lợi rất lớn là thị trường Mỹ, nơi có mức tiêu thụ các sản phẩm công nghệ khổng lồ. Ngay như Apple, nếu không có người dân Mỹ mua sản phẩm của họ ngay từ những ngày đầu thì chắc chắn không thể có Apple như ngày hôm nay.
    * Nhìn về thời điểm viết phần mềm diệt virus miễn phí BKAV, ông nhận xét thế nào về phong trào khởi nghiệp của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam?
    - Thú thực tôi cũng không biết rõ về các dự án khởi nghiệp gần đây hay được nhắc đến, nhưng tôi có cảm giác dường như các bạn thiếu một cái gì đó, chẳng hạn như sự kiên trì. Một số người khởi nghiệp lại hay bị phụ thuộc, tức là khởi nghiệp nhưng cứ trông chờ có ai đó giúp mình, đặc biệt là sự giúp đỡ từ nước ngoài.

    Đấy là sự tự ti tưởng không hại gì nhưng lại ảnh hưởng đến sự thành bại của dự án. Hoặc một vài dự án lại đặt ra mục tiêu ngắn hạn là để kiếm sống, kiếm được lợi nhuận, như thế rất khó để phát triển bền vững.

    Hãy làm bằng chính niềm đam mê của mình để đưa đến cộng đồng những sản phẩm hữu ích thì những thứ tốt đẹp khác sẽ đến với mình. Chúng tôi có một khẩu hiệu dùng làm kim chỉ nam cho toàn Tập đoàn ngay từ những ngày mới thành lập: "Hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn".

    * Nếu chỉ nói một câu, ông sẽ nói gì với những người chê bai hoặc không thích sản phẩm của BKAV?
    - Tôi sẽ nói với họ: "Hãy đợi, chúng tôi sẽ thuyết phục được các bạn!". BKAV nói riêng và Việt Nam nói chung đang có cơ hội rất lớn để có thể bắt kịp thế giới về công nghệ. Thời cơ chưa từng có. Bạn có thể thấy chúng tôi làm ra chiếc Bphone không khác gì Apple làm ra iPhone. Bạn nên nhớ rằng với chúng tôi đây mới chỉ là phiên bản đầu tiên, trong khi họ đã có phiên bản thứ 8 rồi.
    * Khi chỉ làm mỗi việc diệt virus, đời sống của nhân viên BKAV và riêng ông có phải là "thong thả" về tinh thần lẫn vật chất hơn bây giờ? Đổ tiền bạc, dồn tâm huyết vào giấc mơ smartphone, đã bao giờ ông thấy hối tiếc?
    - Nhiều người thấy thấy dự án smartphone của chúng tôi là lớn, là quan trọng, nhưng mục tiêu của chúng tôi còn lớn hơn nhiều. Đó là gây dựng lòng tự hào dân tộc.

    Dù gặp muôn vàn khó khăn, muôn vàn điều không thuận lợi, nhưng chúng tôi vẫn có đủ động lực để quyết tâm đạt được mục tiêu. Kể cả từ thời chỉ làm mỗi việc diệt virus cũng vậy, mỗi thời đều có những khó khăn riêng, như quy mô nhỏ hơn, điều kiện cơ sở vật chất và tài chính ít hơn...

    * Nhiều người bảo ông chỉ vùi đầu vào công việc đến mức quên ăn quên ngủ, không cà phê, sách báo, thậm chí là quên... yêu. Khi nào ông mới bắt đầu thương bản thân mình?
    - Những thứ như một ngôi nhà to, cuộc sống thư thả với cà phê, sách báo... không nằm trong mục tiêu của tôi. Đó không phải là những thứ quá quan trọng. Với tôi, chỉ cần có điều kiện tốt để làm việc là đủ, vì tôi còn có những mục tiêu khác lớn hơn.

    Khi mục tiêu đem lại niềm vui, sự đam mê, những thứ khác trở nên không quá cần thiết. Dĩ nhiên tôi cũng là người bình thường, cũng có những nhu cầu cơ bản. Tuy nhiên, điều kiện vật chất hiện tại tôi có được đã là quá tốt so với rất nhiều người rồi.

    * Sau lễ ra mắt Bphone, nhiều nhân viên BKAV đã bày tỏ trên Facebook rằng họ rất sung sướng, họ khóc vì "chúng ta đã làm được". Để có được cảm xúc như thế không dễ, ông đã gieo vào lòng nhân viên niềm đam mê và tự hào ấy như thế nào?
    - Ngay từ khi khởi nghiệp, bắt đầu thành lập BKAV, tôi đã xây dựng văn hóa riêng và có nguyên tắc bao trùm: Mọi nhân viên sẽ nhìn vào lãnh đạo, và ngược lại người lãnh đạo cũng vậy, nhìn vào nhân viên của mình. Đó là văn hóa của BKAV.
    * Bí quyết để ông được nhân viên yêu thương, dù họ còn làm việc cho BKAV hay đã chuyển đi nơi khác?
    - Đó chính là sự chân thành. Không phải riêng cá nhân tôi chân thành mà sự chân thành luôn có ở BKAV.
    * Ông có thể nói gì về những nghi vấn xung quanh nhạc chuông, bức ảnh minh họạ, bức ảnh quảng cáo? Ông sẽ xử lý những nhân viên chịu trách nhiệm trong khâu đó?
    - Trong toàn bộ sự kiện này, chúng tôi có hàng chục nghìn đầu việc. Nếu tính từ khi Bphone xuất hiện ở CES 2015 thì con số đầu việc thậm chí còn lên đến hàng trăm nghìn.

    Có sơ suất ở việc này hay việc kia cũng là điều dễ hiểu. Tôi rất hiểu toàn bộ đội ngũ đều làm việc hết mình, không có lý do gì để trách móc khi họ đã hết mình, khi tất cả các quy trình đều được tuân thủ. Sơ suất là một phần của cuộc sống!

    Cảm ơn ông về những trao đổi!

    Theo Doanh Nhân Sài Gòn



Chia sẻ trang này

Tin mới nhất