Bí ẩn lăng mộ Pharaoh - Cuộc đời và cái chết của Tutankhamun (Kỳ 2)

Dương Thị Lan
  1. Trong khi phần lớn các ngôi mộ ở Thung lũng các vị Vua đều bị hủy hoại nghiêm trọng từ thời cổ đại thì đến khi được khai quật, lăng mộ xa hoa của Tutankhamun gần như vẫn còn nguyên vẹn.

    Tutankhamun là vị Pharaoh nổi tiếng của Ai Cập, người trị vì từ khoảng năm 1332 đến năm 1323 trước Công nguyên. Lăng mộ của ông được phát hiện vào năm 1922 bởi một nhóm các nhà khảo cổ học, đứng đầu là Howard Carter. Ngôi mộ hầu như còn nguyên vẹn và đã trở thành hiện vật cổ đại quan trọng nhất cho tới thời điểm hiện tại.

    Vương triều thứ 18 và Tân vương quốc

    [​IMG]


    Kỷ nguyên được nhiều người gọi đơn giản là “Ai Cập Cổ Đại” kéo dài hơn 5000 năm, bắt đầu vào khoảng năm 5500 trước Công nguyên và kết thúc vào khoảng năm 641 sau Công nguyên khi Ai Cập trở thành một tỉnh của Đế chế La Mã. Tutankhamun là một phần của Vương triều thứ 18, người trị vì trong thời kỳ Tân vương quốc Ai Cập, hay còn được biết đến là Đế chế Ai Cập. Tân vương quốc kéo dài từ thế kỷ 16 đến 11 trước Công nguyên, bao gồm các triều đại 18, 19 và 20. Đây là thời kỳ được mô tả là thịnh vượng nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại, đánh dấu giai đoạn đỉnh cao của quyền lực các nền văn minh.

    Vương triều thứ 18 đặc biệt được nhiều người quan tâm bởi các Pharaoh nổi tiếng nhất hiện nay đều sinh sống trong giai đoạn này. Hatshepsut, nữ Pharaoh vĩ đại nhất của Ai Cập cũng là thành viên của Vương triều thứ 18. Ngoài ra còn có cha của Tutankhamun là Akhenaten và người vợ quyền lực Nefertiti.

    Akhenaten và Tutankhaten

    Tutankhamun ban đầu được đặt tên là Tutankhaten, có nghĩa “Hiện thân của thần Aten”. Cái tên này được chọn bởi cha ông Akhenaten, người còn được biết đến với danh hiệu “Amenhotep IV”. Đến thời Akhenaten, ông từ bỏ tín ngưỡng đa thần giáo của Ai Cập để chuyển sang thờ cúng một vị thần duy nhất - thần Mặt trời Aten. Ông cố gắng thay đổi văn hóa truyền thống của Ai Cập, bài trừ tất cả các vị thần khác, đặc biệt là thần Amun. Các di tích bị phá hủy, nhiều thành viên của giới quý tộc Ai Cập đã buộc phải đổi tên để loại bỏ mọi liên quan đến Amun.

    Tình hình Ai Cập lúc đó hỗn loạn cả về tôn giáo lẫn chính trị. Bởi Amun là vị thần được người dân vô cùng tôn kính, thậm chí được coi là chúa tể của các vị thần nên khi bị phỉ báng, mặc dù ngoài mặt triều đình và quan lại đồng ý làm theo nhưng trong lòng lại vô cùng phẫn uất. Bởi vậy, sau khi Akhenaten qua đời, mọi người lại quay trở về tập tục thờ đa thần như cũ. Tên của Akhenaten bị xóa khỏi hồ sơ của các Pharaoh, đồng thời các tượng đài và tượng của ông đều bị phá hủy.

    Chính vì lý do này mà Tutankhamun đã đổi tên của mình từ “Hiện thân của thần Aten” thành “Hiện thân của thần Amun”. Quan trọng là mọi người không hề hiềm khích với ông chỉ vì ông là con của Akhenaten. Họ nhận ra Tutankhamun có những phẩm chất hoàn toàn khác với người cha quá cố của mình.

    Tutankhamun - "Cậu bé Pharaoh"

    [​IMG]


    Lúc trở thành Pharaoh, Tutankhamun chỉ mới 9 tuổi. Tuổi trẻ cùng sự yểu mệnh của ông khiến người ta đặt cho ông biệt danh “The Boy King” hay “Cậu bé Pharaoh”. Tutankhamun là con trai của Akhenaten với em ruột (hoặc một trong những người em họ của ông). Mục đích của kết hôn cận huyết là để duy trì quyền lực của dòng tộc. Tutankhamun cũng đã kết hôn với Ankhesenamun, người chị cùng cha khác mẹ của mình. Ankhesenamun ban đầu còn kết hôn với chính người cha của họ.

    Mặc dù cuộc hôn nhân được sắp đặt nhưng hai người có cuộc sống khá hạnh phúc khi những bức tranh còn sót lại miêu tả cảnh nhà vua đang nhận quà từ vợ của mình. Họ có với nhau hai đứa con gái nhưng đều chết yểu, bởi vậy thời điểm khi Tutankhamun qua đời, họ không có người nối dõi. Hôn nhân cận huyết nhiều thế hệ khiến những đứa trẻ sinh ra không có nhiều cơ hội sống sót.

    Với tư cách là một Pharaoh, Tutankhamun rất được yêu mến. Nhiều Pharaoh chỉ được tôn thờ như những vị thần sau khi họ qua đời nhưng Tutankhamun được người dân tôn kính như vậy ngay cả lúc ông còn sống. Nhiều quyết định đưa ra dưới thời Tutankhamun đều do tể tướng Ay, người cận thần đầy quyền lực của ông là chủ ý. Đất nước hỗn loạn về kinh tế và chính trị sau 12 năm dưới thời Akhenaten đã được Tutankhamun vực dậy trở về giai đoạn huy hoàng như trước đây. Một số công trình lớn được Tutankhamun tiến hành xây dựng, trong đó có cả một ngôi đền tráng lệ cho Amun, vị thần mà cha ông trước đây buộc người dân Ai Cập phải từ bỏ tín ngưỡng.

    Cái chết của Tutankhamun

    Không chỉ con cái của Tutankhamun phải chịu hậu quả của giao phối cận huyết, bản thân ông cũng đối mặt với một số vấn đề về sức khỏe. Dù tuổi còn trẻ nhưng vị Pharaoh này buộc phải chống gậy để đi lại do xương bàn chân trái bị hoại tử. Ngoài ra, Tutankhamun còn mắc một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp gọi là “Hội chứng Klippel-Feil”, tức một số xương ở cổ bị dính lại khiến cử động ở đầu và cổ vô cùng khó khăn. So với những thành viên khác trong gia đình, Tutankhamun có thân hình hơi quá khổ và bị vẹo cột sống. Ông cũng bị hở hàm ếch và theo xét nghiệm di truyền sau này thì Tutankhamun hẳn đã từng mắc bệnh sốt rét lúc còn sống.

    “Cậu bé Pharaoh” lẽ ra phải là biểu tượng cho sức mạnh của Ai Cập và Tân vương quốc nhưng ông yếu ớt và không thể sinh người nối dõi. Tuy nhiên sau cùng, tất cả những căn bệnh đó lại không phải là nguyên nhân gây ra cái chết của Tutankhamun, đó là một tai nạn thương tâm.

    Suốt bao năm, nguồn căn cái chết của Tutankhamun vẫn là một bí ẩn. Không giống như nhiều Pharaoh và giới quý tộc Ai Cập cổ đại, không có bất cứ tài liệu nào còn sót lại ghi chép về cái chết của vị vua trẻ tuổi này. Nhiều nhà khảo cổ học nói rằng Tutankhamun chết do bị đánh vào đầu và đây rất có thể là một vụ sát hại. Giả thuyết này xuất phát từ việc chụp X-quang cho thấy những mảnh vỡ trong hộp sọ của ông, tuy nhiên nguyên nhân thực sự là bởi sự cố bất cẩn khi tháo chiếc mặt nạ bằng vàng ra khỏi xác ướp của công vào những năm 1920.

    Cho đến năm 2005 khi một nhóm các nhà khoa học tiến hành chụp CT và đã phát hiện Tutankhamun đã bị gẫy chân nghiêm trọng trước khi qua đời. Vết gãy đã bị nhiễm trùng và hàng ngàn năm trước khi nhân loại tìm ra thuốc kháng sinh, nhiễm trùng kiểu này coi như là một bệnh án tử hình. Thậm chí ngay cả khi không bị nhiễm trùng đi chăng nữa thì hệ miễn dịch yếu kém của Tutankhamun cũng không thể chống chọi lại viêm phổi hoặc sốt rét, những căn bệnh mà ông đã mắc phải.

    Hậu quả của hôn nhân cận huyết khiến cơ thể Tutankhamun cực kỳ dễ bị tổn thương, có nghĩa ông không thể tham chiến trong bất cứ cuộc chiến nào trong thời gian trị vì của mình. Tuy nhiên khi còn là một thanh niên 19 tuổi, ông cũng tham gia rất nhiều hoạt động thể chất phổ biến thời đó. Ngày nay, nhiều nhà khảo cổ học tin rằng sự cố gãy chân là do tai nạn trong một cuộc đua xe ngựa. 19 năm cuộc đời không hề đơn giản với Tutankhamun khi mang trong mình nhiều trách nhiệm và bệnh tật đến vậy.

    Lăng mộ của Tutankhamun

    [​IMG]


    Dĩ nhiên, nguyên nhân chính khiến Tutankhamun được thế giới biết đến là ngôi mộ gần như còn nguyên vẹn của ông. Thoát khỏi bàn tay của những kẻ trộm mộ suốt hàng nghìn năm, nó là một kho báu theo đúng nghĩa đến khi được nhà khảo cổ - nhà Ai Cập học Howard Carter phát hiện vào năm 1922.

    Lăng mộ của Tutankhamun nhỏ hơn nhiều so với các Pharaoh khác, có lẽ vì cái chết có phần bất ngờ của ông. Đây có thể là lăng mộ được xây dựng cho một trong những người thân là nữ của Tutankhamun hoặc một quý tộc Ai Cập. Phong tục quy định khoảng thời gian từ khi chết đến khi chôn cất chỉ được kéo dài tối đa trong vòng 70 ngày nên với quãng thời gian ngắn như vậy, không đủ để hoàn thành một ngôi mộ tráng lệ hơn, cuối cùng buộc phải dùng mộ xây cho người khác để thay thế.

    Trong vài tháng sau khi chôn cất, ngôi mộ đã từng bị đột nhập ít nhất 2 lần, một số đồ vật đã bị lấy đi vào thời điểm này. Sau đó, lăng mộ đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát của những ngôi mộ khác nên may mắn thoát khỏi những kẻ đào trộm mộ. Có đến 5398 món đồ còn nguyên vẹn khi ngôi mộ được khai quật. Người Ai Cập cổ đại tin rằng người chết phải được chôn cất cùng những vật dụng mà họ cần dùng ở “thế giới bên kia”. Trong số các vật phẩm đó, có chiếc mặt nạ bằng vàng nổi tiếng, quan tài bằng vàng cùng nhiều thứ thiết thực hơn như cung tên, ngai vàng, đồ ăn, rượu, thậm chí cả đồ lót bằng vải lanh mới. Nhiều đồ vật có nguồn gốc từ nước ngoài, như con dao găm bằng sắt với vỏ bọc vàng được chế tác công phu, cho thấy mối quan hệ ngoại giao với các nước khác đã được cải thiện rất nhiều trong thời kỳ trị vì của Tutankhamun.

    Nhiều học giả cho rằng có tới 80% đồ vật trong lăng mộ của Tutankhamun ban đầu được chuẩn bị cho người khác, khả năng cao là chính là người mẹ kế Nefertiti của ông. Ngay cả chiếc mặt nạ mang tính biểu tượng của Tutankhamun cũng tìm thấy dòng chữ Ankhkheperure mery-Neferkheperure (Ankhkheperure thân yêu của Akhenaten). Ankhkheperure chính là danh hiệu của Nefertiti, được sử dụng sau khi Akhenaten qua đời.

    Lời nguyền chết người

    Nhắc đến Ai Cập cổ đại, Tutankhamun là cái tên đầu tiên mà đa số chúng ta đều nghĩ đến, nhưng thay vì quyền lực, người ta biết tới Tutankhamun là do ngôi mộ còn nguyên vẹn của ông và nhiều bí ẩn xung quanh. Trong khi phần lớn các lăng mộ khác bị đánh cắp và hư hỏng nặng nề thì lăng mộ của Tutankhamun đã trở thành hình ảnh thu nhỏ cho phong tục chôn cất xa hoa của người Ai Cập cổ đại.

    Thời gian trị vì ngắn ngủi có nghĩa với người dân Ai Cập cổ đại, ông khá tầm thường, đặc biệt là dưới cái bóng quá lớn của người cha chuyên quyền và những thay đổi trong tín ngưỡng văn hóa mà ông ta đã làm. Tuy nhiên vào thời điểm giới khảo cổ học đang khát khao tìm kiếm những lăng mộ còn sót lại thì việc khai quật được lăng mộ gần như còn nguyên vẹn như của Tutankhamun giống như một giấc mơ không tưởng. Ngoài những món đồ của nền văn minh xưa cũ, người ta còn đưa nhiều tin đồn về thứ gọi là “Lời nguyền của các Pharaoh”. Truyền thuyết về lời nguyền được cho là sẽ ảnh hưởng đến tất cả những người có liên quan đến việc khám phá và khai quật lăng mộ. Rất nhiều người đến nay vẫn tin vào sự linh ứng của lời nguyền mặc cho chỉ có 8 trong số 58 người tham gia thám hiểm đã chết trong vòng một thập kỷ sau đó. Điển hình là Lord Canarvon - bá tước người Anh cực kỳ giàu đó, người đã tài trợ cho chuyến thám hiểm của Carter đã chết 5 tháng sau khi ngôi mộ được phát hiện. Người còn sống sót cuối cùng là con gái của Lord Canarvon, qua đời vào năm 1980.

    Hàng ngàn năm sau khi Tutankhamun qua đời, vẫn còn rất nhiều giả thuyết và bí ẩn liên quan đến cái chết và lời nguyền lăng mộ. GameHub sẽ cùng độc giả tìm hiểu trong các bài viết tiếp theo nhé!

    Để biết thêm nhiều tin tức hot nhất về game, bạn đọc có thể Like và Follow Fanpage:


Chia sẻ trang này

Tin mới nhất