Android tiếp tục thống trị thị trường smartphone

Bomer
  1. Theo IDC năm 2014 thế giới tiêu thụ 1,3 tỷ smartphone, trong đó cứ 100 chiếc bán ra thì có tới 80 máy trang bị hệ điều hành Android

    Theo số liệu của IDC, năm 2014 vừa qua các nhà sản xuất đã bán ra 1,3 tỷ smartphone trên toàn thế giới (theo Gartner là 1,2 tỷ), trong đó có tới 1 tỷ smartphone Android, chiếm 81,5%.

    Trong khi đó, dù bộ đôi iPhone 6/6 Plus lập kỷ lục trong quý 4/2014 với doanh số bán 74,5 triệu máy, giúp Apple vượt qua đại kình địch Samsung một cách ngoạn mục, nhưng không thoát được mức sụt giảm cả năm. iOS đã mất mốc 15% thị phần, chỉ còn 14,8%, giảm nhẹ so với 15,1% của năm 2013.
    Nền tảng thứ 3, Windows Phone, chỉ còn giữ được 2,7% so với 3,3% của một năm trước.

    [​IMG]
    Android đã thành thế lực quá lớn trên thị trường smartphone


    Báo cáo của Gartner cũng khá tương đồng. Hãng nghiên cứu thị trường này cho biết, trong tổng số 1,25 tỷ smartphone bán ra trong năm 2014, thị phần của ba nền tảng hàng đầu Android, iOS và Windows Phone tương ứng lần lượt là: 80,7% (tăng từ 78,5% của năm 2013), 15,4% (giảm từ 15,5%) và 2,8% (giảm từ 3,2%).

    Theo dữ liệu của IDC, năm qua, đội quân smartphone Android tăng 32% so với năm 2013, vượt mức tăng chung của toàn thị trường là 27,7%.

    Smarphone Android ngày càng bành trướng, và dường như không gì có thể cản nổi. Một năm trước thị phần là 78,7%, và trước nữa, vào năm 2012 còn ở mức 69%.

    Xu thế này được phản ánh rõ nét qua Triển lãm di động thế giới MWC 2015.

    MWC là màn trình diễn lớn nhất trong năm của làng di động với sự có mặt của hầu hết các hãng sản xuất điện thoại danh tiếng trên thế giới, ngoại trừ Apple tổ chức sự kiện riêng.

    MWC 2015 tiếp tục gần như là sân chơi riêng của Android. Cả thế giới dồn sự quan tâm tới màn ra mắt của bộ đôi Samsung Galaxy S6 & S6 Edge, HTC One M9 và vô số mẫu smartphone Android khác.

    Trong khi đó, với hệ điều hành của Microsoft, ngoại trừ bộ đôi Lumia 640 & 640 XL cùng mẫu Liquid 220 của nhà sản xuất Đài Loan Acer đều thuộc phân khúc giá rẻ chạy Windows Phone 8.1, truyền thông thế giới hầu như không nhắc tới mẫu smartphone nào khác. Các nền tảng Firefox OS của Mozilla, Tizen của Samsung và Ubuntu của Canonical xuất hiện từ hai năm trước và được đánh giá có nhiều triển vọng thì nay chẳng thấy khoe mẽ gì.

    [​IMG]


    Hai năm trước, tại MWC 2013, smartphone chạy Firefox OS trình làng các mẫu đầu tiên: Alcatel One Touch Fire, ZTE Open và Geeksphone Peak; Samsung cũng giới thiệu một mẫu smartphone chạy Tizen. Trước đó, Canonical tung ra bản thử nghiệm Ubuntu 12.10 Touch Preview cho thiết bị di động.

    Firefox OS và Tizen lấy web làm nền tảng, hứa hẹn tạo thuận lợi cho các nhà phát triển và cả người dùng. Tizen được chống lưng bởi hai đại gia Samsung và Intel. Trong khi Ubuntu thì đã có sẵn cộng đồng người dùng PC qua nhiều năm phát triển, thêm vào đó là lợi thế hỗ trợ cả hai nền tảng chip dựa trên kiến trúc ARM và x86.

    Mozilla từng quảng bá, hệ điều hành di động của họ chiếm dụng tài nguyên thấp nên không đòi hỏi cấu hình cao cho thiết bị. Điều đó hứa hẹn Firefox OS sẽ thành công ở phân khúc smartphone giá rẻ, nhất là tại những thị trường mới nổi. Mozilla còn quảng bá là có nhiều đối tác, bao gồm nhiều hãng công nghệ lớn như Sony, LG, Huawei và được nhiều nhà mạng tại nhiều quốc gia cam kết hỗ trợ. Tuy nhiên, cuộc chiến smartphone ngày càng quyết liệt và các đại gia khó có thể mạo hiểm với những quân cờ mới.
    Samsung dù muốn thoát khỏi cái bóng của Google, nhưng trong bối cảnh tình hình kinh doanh bết bát những quý vừa qua càng khó. Những nỗ lực Tizen đến nay vẫn chưa được ghi nhận dù đã tung ra chiếcSamsung Z1 giá siêu rẻ hồi đầu năm nay

    Đầu năm 2013 cũng là thời điểm BlackBerry 10 mới phát hành với hy vọng cứu vớt BlackBerry (đổi tên từ RIM) đang trên đà sụp đổ. Giờ thì, BlackBerry 10 chỉ còn 0,4% thị phần với vỏn vẹn 5,8 triệu máy được bán ra năm qua, vẫn đang trên đà “teo” dần và dường như khó thoát khỏi số phận bi đát như Symbian, WebOS.

    Với Microsoft, nhiều nhà phân tích nhận định việc công ty theo đuổi phân khúc giá rẻ khó có thể mở rộng thị phần của Windows Phone. Lối thoát duy nhất cho Microsoft là phải tung ra được mẫu smartphone “sát thủ” để kích thích thị trường, kéo theo đó là các nhà phát triển ứng dụng. Nhưng theo đại diện của Microsoft thì công ty phải chờ bản Windows 10 hoàn thiện mới tung ra những mẫu smartphone cao cấp.

    Nếu Windows 10 không thổi được làn gió mới cho điện thoại Windows Phone, viễn cảnh Android chiếm gần hết thị trường smatphone như Windows trên PC sẽ có thể trở thành hiện thực. Và phần nhỏ còn lại sẽ thuộc iOS ở phân khúc cao cấp.

    Theo PCWorld


Chia sẻ trang này

Tin mới nhất