Tại sao vẫn còn ít game PC/Console chuyển hệ lên Mobile?

Hard
  1. Cùng GameHub tìm hiểu việc chuyển hệ game với những công đoạn cực kỳ khó khăn, điều khiến cộng đồng game thủ chưa thể thưởng thức các tựa game mong muốn.

    Khi được hỏi về nỗi thất vọng nhất của một người chơi game hẳn nhiên câu trả lời sẽ là việc không thể thưởng thức tất cả những tựa game mà mình yêu thích. Rào cản sinh ra bởi nhiều vấn đề khác nhau, từ thời gian, khả năng kinh tế hay thậm chí là cách trở địa lý (với trường hợp hãng game chỉ phát hành sản phẩm ở một số quốc gia nhất định). Nhưng điều chính yếu ám ảnh tâm trí game thủ bấy lâu nay vẫn là sự khác biệt giữa những hệ máy, mà với chúng ta chính là giữa Mobile và PC/Console.

    Nhưng ở đâu có chướng ngại, là ở đó có cách thức vượt qua, và với thế giới ảo chúng ta sở hữu một vũ khí mang tên "chuyển hệ". Chuyển hệ là quá trình đội ngũ phát triển giúp một sản phẩm ở nền tảng A có thể hoạt động ổn định trên nền tảng B, mở rộng hơn quyền thưởng thức tựa game đến rộng khắp cộng đồng. Với di động nói riêng, đây là cơ hội để chúng ta lần đầu tiên trải nghiệm những siêu phẩm nức tiếng, vốn trước đây vẫn còn nằm xa tầm tay..

    [​IMG]

    Tuy nhiên, không phải tựa game nào cũng có thể biến hóa dễ dàng từ hệ máy này sang hệ máy khác. Ít ai biết được quá trình chuyển đổi phải trải qua vô số công đoạn, thậm chí trong nhiều trường hợp là sự thay đổi hoàn toàn từ ban đầu. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến game thủ Mobile chúng ta chưa được trải nghiệm nhiều sản phẩm bắt gốc từ PC/Console và những nền tảng khác.

    Để nhìn sâu sát hơn vào những khó khăn này, bạn đọc sẽ cùng GameHub tìm hiểu về BlitWorks - một trong những đội ngũ tập trung "chuyển hệ" game hiếm hoi ngày nay. Blitworks hoạt động trong ngành công nghiệp game từ khi những hệ máy "thời tiền Playstation" bắt đầu đổ bộ. Khơi mào với hai sản phẩm thành công là Sonic CD và Jet Set Radio, Blitworks bắt đầu dấn thân vào con đường chông gai ít ai lựa chọn. Nhưng chính vì vị trí gần như độc nhất trong ngành công nghiệp game đó mà hãng game Tây Ban Nha này đã thấu hiểu mọi khó khăn trong quá trình chuyển hệ, từ đó đưa ra đáp án cho câu hỏi "Tại sao vẫn còn ít game PC/Console lên Mobile?"

    [​IMG]

    Đi đường dài, vác đá trên vai..

    Điều đầu tiên một đội ngũ chuyển hệ phải làm đó là giúp tựa game chạy được trên nền tảng mới. Quá trình này thường nảy sinh những vấn đề cực kỳ khó khăn, tác động mạnh mẽ tới kết quả thành công của một sản phẩm. Theo Blitworks, một tựa game đôi khi được dựng nên bởi những bộ công cụ "khép kín", và nếu bộ công cụ này không hỗ trợ Mobile thì nước cờ duy nhất còn lại cho đội ngũ là.. làm lại từ đầu. Việc này khiến cho Blitworks gần như trở thành "cha mẹ đẻ", viết lại tựa game dưới một ngôn ngữ lập trình hoàn toàn mới...

    Bộ xương sống đã xong thì chúng ta sẽ tiến tới phần ngoại hình, hay ở đây chính là đồ họa. Tại đây, đội ngũ sẽ phải trích xuất "lệnh gọi đồ họa" của game vào một giao diện chung tích hợp tất cả các nền tảng. Đôi khi công đoạn được giải quyết nhanh chóng vì việc chuyển hệ đã được nhà phát triển dự tính ngay từ ban đầu, phân tách rõ ràng giữa các khu vực và giúp đội ngũ sau này dễ dàng trong việc trích xuất. Tuy nhiên, đôi khi lệnh gọi đồ họa lại nằm giữa một ma trận các dòng mã, khiến bất cứ ai muốn lấy chúng ra cũng phải vất vả kiếm tìm.

    [​IMG]
    Grand Theft Auto: San Andreas cũng được coi là một tựa game chuyển hệ
    thành công trên Mobile.

    Ngay cả khi chướng ngại đã vượt qua và phần xương sống - ngoại hình đã ổn thì tựa game trên nền tảng mới vẫn khó có thể mang tới kết quả thành công. Vấn đề xuất hiện ở giai đoạn này thường là hiệu năng hoạt động, xảy ra đặc biệt thường xuyên với những tựa game chuyển hệ sang Mobile, ví như CPU quá tải, bị "thắt cổ chai" cũng như hiện tượng giật, đứng khung hình. Chướng ngại này thường xoay quanh cụm từ "tối ưu hóa", đòi hỏi đội ngũ phải tận dụng hết khả năng phần cứng mà nền tảng mình sẽ chuyển hệ... Cũng như tôn chỉ của Blitworks: "Không có phần cứng tệ, chỉ có phần mềm chưa tối ưu".

    Rào cản lớn là vậy thì quá trình hoàn thiện vẫn còn có vô vàn tiểu tiết, tuy có thể dễ dàng giải quyết nhưng tiêu tốn rất nhiều thời gian. Ở đó, một đội ngũ chuyển hệ phải thực hiện mọi thứ.. từ cách thức điều khiển, bố trí nút bấm, cảm ứng, cũng như cơ chế rung lắc của thiết bị. Giao diện người dùng cũng phải phù hợp với kích thước màn hình, bên cạnh việc đảm bảo font chữ hiển thị chính xác, thay đổi theo từng chủng loại thiết bị, từng độ phân giải khác nhau.. Tất cả cho thấy, để một sản phẩm đi từ hệ máy A sang hệ máy B là cả một con đường trường kỳ về mặt kỹ thuật, đủ để giải thích việc xuất hiện thưa thớt của các sản phẩm PC/Console trên Mobile, kể cả khi chúng là những tựa game đơn giản với nét vẽ 2D, hay phức tạp với vô số hiệu ứng 3D đi chăng nữa

    [​IMG]

    Trước mắt biết nhìn xa.. sau sẽ được hái quả

    Trên thực tế, việc chào sân những Engine tân thời và đa chức năng đã giúp các nhà phát triển có thể sử dụng chung một bộ công cụ, từ đó dễ dàng chuyển đổi game trên nhiều nền tảng khác nhau. Những Unreal hay Unity chính là ví dụ điển hình, lựa chọn đáng để xem xét với những ai theo nghiệp làm game. Với tiêu chí đó, Blitworks cũng khuyến khích những nhà phát triển hãy sử dụng ngôn ngữ lập trình phổ biến, không quá cũ hay quá mới nhằm đảo bảo tính tương thích giữa mọi nền tảng, nhằm giúp quá trình chuyển hệ trở nên dễ dàng hơn về sau.

    Hiểu địch hiểu ta, trăm trận trăm thắng cũng là một "bài tủ" đối với việc chuyển hệ. Hiểu rõ giới hạn mà nền tảng mình ngắm tới, ví như khả năng đáp ứng của CPU, RAM hay bộ nhớ trên Mobile, cũng là một lợi thế cực lớn khi dự định đem game của mình đi đánh xứ người.

    [​IMG]
    Hy vọng một ngày không xa với công nghệ phát triển và trên hết là sự dễ dàng hơn trong việc chuyển hệ, game thủ Mobile sẽ được đặt tay lên những tựa game như thế này.

    Tuy nhiên, tiết chế cũng là một điểm cần lưu tâm đối với những nhà phát triển. Theo Blitworks, bạn làm game trên một cỗ máy PC không có nghĩa là bạn phải tận dụng tất cả sức mạnh của cỗ máy PC đó. Bạn chạy game trên một nền tảng sở hữu Card đồ họa với bộ nhớ lên tới hàng Gigabyte không có nghĩa là bạn phải dùng hết tất cả. Hãy nhớ rằng nhiều hệ máy khác còn không có được sức mạnh đó, và biết tận dụng từng "Mê" sẽ giúp mọi thứ dễ thở khi chuyển game sang nền tải mới như Console hay Mobile.

    Đây cũng chính là lý do tại sao nhiều hãng làm game tuy đầy đủ nhân lực về kỹ thuật, nhưng thay vào đó vẫn lựa chọn những Engine phổ biến, tất cả để rút ngắn thời gian phát triển và trên hết có một "tấm vé" bảo đảm cho dự định tương lai. Hy vọng khi ngành công nghiệp game đã "mở lòng" hơn ở cả khía cạnh công nghệ cũng như việc trao đổi kinh nghiệm, rào cản giữa các nền tảng sẽ sớm bị xóa bỏ, từ đó mở rộng hơn cơ hội trải nghiệm cho game thủ chúng ta.


Chia sẻ trang này

Tin mới nhất