Liệu smartphone Android có cần dùng RAM 6GB hoặc 8GB hay không?

Emily
  1. 6GB hay 8GB là con số rất lớn với smartphone, nhiều hơn cả RAM trên đa số laptop hiện nay.

    Gần đây nhiều nhà sản xuất tung ra thị trường những mẫu điện thoại Android có tới 6GB RAM, thậm chí một số hãng điện thoại Trung Quốc còn dự định ra mắt điện thoại với RAM tới 8GB trong thời gian tới.

    [​IMG]
    Vivo Xplay5 Elite, sản phẩm mở màn cho cuộc đua RAM 6GB trên smartphone

    Sản phẩm đầu tiên mở màn cuộc đua 6GB RAM trên smartphone là Vivo Xplay5 Elite. Vivo là thương hiệu khá tiếng tăm ở thị trường Trung Quốc, từng đưa ra những mẫu smartphone siêu mỏng trước đây. Với chiếc Xplay5 Elite, Vivo đã cố gắng nhồi nhét nhiều thông số cấu hình mạnh vào sản phẩm nhằm thu hút sự chú ý.

    Vivo Xplay 5 Elite sở hữu màn hình Super AMOLED cong kích cỡ 5.43 inch độ phân giải 2K với khung máy bằng kim loại. Ở bên trong, sản phẩm được trang bị vi xử lý Snapdragon 820 lõi tứ 2.15GHz cao cấp nhất của Qualcomm hiện nay, đồ hoạ Adreno 530, RAM 6GB và bộ nhớ trong 128GB. Về camera, camera sau của máy có độ phân giải 16MP dùng cảm biến Sony IMX298 và camera trước 8MP. Với cấu hình mạnh như vậy và thiết kế kim loại, không ngạc nhiên khi máy có giá 4288 nhân dân tệ (660 USD hoặc 14,4 triệu đồng), khá cao với so với mặt bằng chung của các công ty Trung Quốc.

    Vivo Xplay 5 Elite không phải là smartphone duy nhất hiện nay có RAM 6GB. Gần đây, nhiều công ty khác đã ra mắt những smartphone có RAM lớn tương tự, có thể kể đến như One Plus 3, Asus Zenfone 3 Deluxe, Lenovo Zuk Z2 Pro, LeEco Le Max 2, ZTE Axon 7 hay Vernee Apollo từ thương hiệu tương đối vô danh Vernee.

    Sự xuất hiện của những smartphone này đặt ra câu hỏi chúng ta có cần những chiếc điện thoại có RAM lớn như vậy không? Bài viết của VnReview, tham khảo từ những trang web như XDA-Developers hay PhoneArenasẽ làm rõ hơn về vấn đề này.

    Android quản lý RAM như thế nào


    Để trả lời câu hỏi của bài viết, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu cách Android thực hiện việc quản lý bộ nhớ và RAM. Hiểu một cách đơn giản, Android thực hiện việc quản lý RAM như sau: thay vì đóng tiến trình (ứng dụng) sau khi hoạt động của ứng dụng kết thúc (như khi bạn bấm vào nút home để thoát ứng dụng), tiến trình đó sẽ được giữ trong bộ nhớ đến khi hệ thống cần tắt nó để giải phóng RAM. Cách hệ thống quyết định giữ và tắt một tiến trình nào đó phụ thuộc vào một driver gọi là LMK (Low Memory Killer). Mỗi tiến trình được gán một giá trị oom_adj từ -17 đến 15 bởi dịch vụ quản lý hoạt động Activity Manager Service. Dịch vụ này sẽ điều chỉnh giá trị oom_adj tuỳ theo tầm quan trọng của các tiến trình. Các giá trị oom_adj cao nghĩa là tiến trình đó sẽ dễ bị tắt để giải phóng bộ nhớ, còn các giá trị oom_adj thấp ít bị tắt hơn.

    Android phân loại các tiến trình thành 5 nhóm (Foreground, Visible, Service, Background và Empty) từ mức độ quan trọng đến ít quan trọng hơn để duy trì hoạt động. Các tiến trình thuộc mỗi nhóm sẽ bị tắt ở những mức độ RAM còn trống khác nhau. Ví dụ, thiết bị sẽ tắt các tiến trình thuộc nhóm "Empty" khi RAM còn trống dưới 32MB, tiến trình thuộc nhóm "Background" sẽ bị tắt khi RAM trống dưới 28MB và các ứng dụng trong nhóm Foreground sẽ bị thoát khi RAM còn dưới 10MB. Tuy vậy, mỗi nhà sản xuất thường đưa ra các mức độ RAM trống khác nhau để quyết định tắt ứng dụng và điều này cũng còn tuỳ theo sản phẩm nữa. Nhìn chung, RAM còn trống càng nhiều thì các ứng dụng quan trọng sẽ càng ít bị tắt.

    Có cùng lượng RAM không có nghĩa là hiệu năng giống nhau


    Do mỗi nhà sản xuất đưa ra mức độ RAM trống để tắt ứng dụng khác nhau nên trải nghiệm đa nhiệm trên các điện thoại cũng sẽ khác nhau dù có cùng cấu hình. Thêm nữa, mỗi nhà sản xuất thường cài sẵn số lượng ứng dụng hệ thống khác nhau trên thiết bị của họ. Những nền tảng tuỳ biến nhiều như TouchWiz của Samsung hay EMUI của Huawei có thiên hướng cài sẵn nhiều ứng dụng hơn so với nền tảng gốc của Android, do đó đòi hỏi phân bổ nhiều nguồn lực hơn để hệ thống hoạt động ở mức nhà sản xuất mong muốn.
    Sự khác nhau cơ bản giữa thiết bị RAM 2GB và RAM 3GB là thiết bị RAM 3GB có thể lưu giữ nhiều tiến trình hơn ở chế độ nền. Trên lý thuyết, thiết bị nhiều RAM sẽ có nhiều tiến trình được cất giữ trong bộ nhớ hơn và nhà sản xuất có nhiều nguồn lực bộ nhớ để phân bổ cho các ứng dụng hơn. Song trên trên thực tế, điều này không hẳn luôn đúng, thậm chí một thiết bị có RAM 3GB vẫn còn nhiều RAM trống hơn máy 4GB sau khi đã phân bổ cho hệ thống và các ứng dụng cài sẵn.

    [​IMG]
    Nexus 5 (2GB RAM, trái) và Nexus 6 (3GB)

    [​IMG]
    Note 5 (4GB, trái) và OnePlus 2 (4GB)


    Nhìn vào những bức ảnh chụp màn hình phía trên, ta có thể thấy những thiết bị có bộ phần mềm gọn nhẹ như Nexus 5 và Nexus 6 còn trống nhiều RAM nhất sau khi khởi động. Trong khi đó sau khi khởi động, chiếc Galaxy Note 5 với 4GB RAM còn trống 1.7GB RAM, tương đương chiếc Nexus 6. Dù vậy Note 5 bị đánh giá là hỗ trợ đa nhiệm kém, các ứng dụng sau khi thoát thường bị tắt luôn. Như vậy dung lượng RAM của máy không phản ánh khả năng hoạt động tốt hơn, mà nó phụ thuộc rất nhiều vào nhà sản xuất.

    Giải pháp để cải thiện đa nhiệm cho chiếc Note 5 là thay đổi giá trị LMK để mức RAM khi đóng ứng dụng cao hơn so với giá trị gốc mà Samsung đặt ra.

    [​IMG]
    Bộ nhớ RAM trên chiếc OnePlus One khi chưa chạy ứng dụng


    [​IMG]
    Bộ nhớ RAM khi vừa thoát game (trái) và khoảng 1 giây sau đó


    Để hiểu rõ hơn cách kiểm soát RAM của Android, bạn có thể nhìn vào hình phía trên. Khi thoát khỏi game NFS: No Limits, chỉ mất khoảng 1 giây hệ thống đã giảm bộ nhớ RAM phân cho game này xuống, đồng thời với đó là giảm mức ưu tiên của game từ Foreground về thành Background. Điều này vừa giúp hệ thống có thêm RAM trống (RAM hoạt động từ 2.5GB xuống còn 1.9GB), vừa cho phép nó tắt game khi cần thêm RAM. Hệ thống tự chạy hoàn toàn, và người dùng không cần phải làm gì ở đây cả.

    Ngoài cơ chế trên, Android còn có nhiều cơ chế kiểm soát khác để đảm bảo sử dụng RAM tối ưu nhất. Đầu tiên, không phải tất cả RAM trống sẽ được dùng để lưu các ứng dụng vừa đóng, hệ thống luôn chừa ra một phần trong trường hợp các ứng dụng cần thêm RAM. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng không thể "vô cớ" đòi hỏi một lượng RAM quá cao: Android quy định lượng RAM tối đa mà một ứng dụng có thể sử dụng. Chiếc OnePlus One sử dụng bản CM12.1 chỉ cho phép ứng dụng được dùng tới 512MB RAM, còn nếu ứng dụng vẫn cần thêm thì cơ chế dọn rác (garbage collection) sẽ hoạt động.

    Như vậy, Android kiểm soát RAM bằng cách kết hợp độ ưu tiên của ứng dụng và mức RAM tối đa mà ứng dụng có thể sử dụng. Đây là một cơ chế phức tạp, với nhiều biến số phụ thuộc vào phần cứng, hệ điều hành và cả ứng dụng. Do vậy dù hai máy có cùng lượng RAM vật lý thì cách hoạt động cũng sẽ khác nhau, khả năng đa nhiệm cũng khác nhau. Tương tự như vậy, việc có thêm 1 – 2GB RAM không đảm bảo thiết bị của bạn sẽ hoạt động tốt hơn tương ứng với con số đấy.

    Vậy cuối cùng thì bạn có cần 6GB RAM không?


    Câu trả lời ngắn gọn là "chưa". Thứ nhất là, như đã giải thích ở trên, dù nhiều RAM thế nào thì cuối cùng ứng dụng cũng sẽ bị tắt. Việc nó bị tắt sớm hay muộn phụ thuộc vào cách xử lý của nhà sản xuất, và một chiếc điện thoại 6GB RAM chưa chắc sẽ đảm bảo đa nhiệm tốt hơn hẳn nếu nhà sản xuất không tối ưu. Ở video dưới, bạn có thể thấy chiếc OnePlus 3 với 6GB RAM vẫn phải tải lại rất nhiều ứng dụng và đuối hơn chiếc Galaxy S7 Edge với 4GB RAM.


    Ngoài ra, cũng cần biết rằng đối với nhiều game thì bạn vẫn có thể gặp trường hợp game tự tải lại dù máy còn rất nhiều RAM trống. Lý do là đối với một số game, nhà phát triển thực sự muốn game sẽ phải tải lại sau khi thoát, bởi đây là một phần trong cơ chế chống hack, cụ thể hơn là để chống các ứng dụng can thiệp vào dữ liệu khi game đang mở, nên mỗi lần mở game thì dữ liệu phải tải lại từ đầu. Máy có nhiều RAM hơn cũng không giúp gì trong trường hợp này.

    Thứ hai, khi dung lượng RAM của máy lớn hơn thì nhà sản xuất có thể cho phép giới hạn RAM của một ứng dụng cao hơn, từ đó mở ra khả năng phát triển các ứng dụng có đồ họa đẹp, chi tiết hơn. Tuy nhiên bộ nhớ RAM 4GB vẫn là đủ với giới hạn độ phân giải màn hình ở mức 1080p hoặc 1440p như hiện nay. Độ phân giải màn hình cần phải cao hơn thì ứng dụng mới tận dụng hết được 6GB RAM. Cũng cần phải nhìn nhận thực tế là nếu có những game/ứng dụng có thể yêu cầu chiếc smartphone sử dụng hết 6GB RAM thì có lẽ vi xử lý của điện thoại hiện nay cũng không đủ khả năng xử lý chúng.

    [​IMG]


    Cuối cùng thì giống như số nhân CPU hay số "chấm" máy ảnh, lượng RAM lớn hơn đem lại một giới hạn vật lý cao hơn cho hiệu năng. Tuy nhiên điều này sẽ không có nghĩa lý gì nếu như thiếu đi sự tối ưu về phần mềm từ nhà sản xuất. Có thêm RAM thì không hại gì, nhưng điều người dùng thực sự cần từ các hãng điện thoại là phần mềm tối ưu hơn, chứ không chỉ là những chip RAM lớn hơn được hàn lên bo mạch điện thoại.

    Theo Vnreview


Chia sẻ trang này

Tin mới nhất