Giải mã nguyên nhân cha đẻ của The Walking Dead đột ngột tuyên bố phá sản

Nguyễn Thu Trang
  1. Telltale - nhà phát triển của The Walking Dead đã bất ngờ tuyên bố phá sản, nguyên nhân của sự sụp đổ đột ngột này là gì.

    Vào ngày 21 tháng 9 vừa qua, Tellale đã thông báo trên Twitter về việc công ty không thể thoát khỏi khó khăn nên phải bất đắc dĩ cắt giảm nhân viên trên quy mô lớn, chỉ để lại 25 nhân viên ở lại lo nốt mọi chuyện – Điều này đồng nghĩa với việc công ty tuyên bố đóng cửa. Tuy không phải là công ty trò chơi nổi tiếng nhất thế giới, nhưng chuyện Telltale bất ngờ đi đến thời khắc cuối cùng của cuộc đời mình vẫn dấy lên náo động không nhỏ.

    [​IMG]


    Ngày 5 tháng 10, nhà biên kịch cốt truyện cũ của game là Rachel Noel cũng đã chia sẻ trên Twitter của mình, 25 nhân viên cuối cùng cũng đã bị giải tán, đồng thời trích dẫn lời thoại kinh điển của nhân vật Roy trong bộ phim điện ảnh Blade Runner đánh dấu chấm hết cho 14 năm hoạt động của Telltale.

    “All those moment will be lost in time, like tears in rain. Time to die.”

    Telltale đầy huy hoàng với The Walking Dead

    Telltale được thành lập năm 2004 bởi Kevin Bruner, Dan Connors và Troy Molander, tính đến nay công ty đã hoạt động được 14 năm. 4,5 năm đầu sau khi thành lập, Telltale vẫn luôn giữ quy mô khá nhỏ, các tựa game mà công ty phát triển thường là những tác phẩm đã có một lượng fan có sẵn, tuy rằng không thể kiếm được doanh thu lớn nhưng đủ để công ty vận hành ổn định.

    Đến năm 2012, công ty đã có một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của mình. Tựa game The Walking Dead của hãng không chỉ bội thu về mặt doanh số và danh tiếng mà còn giành được được giải Tựa game của năm từ VGA – giải thưởng được mệnh danh là Oscar của game, tiền thân của TGA.

    [​IMG]

    Một công ty với quy mô chưa nổi 100 nhân viên bỗng chốc được 'ngồi cùng mâm' với những công ty game lớn hàng đầu thế giới, The Walking Dead được coi là tựa game tái hiện lại sự huy hoàng của dòng game mạo hiểm, giành được số điểm đánh giá cao chót vót là 9,3 từ IGN.

    Trong vòng 20 ngày sau khi được phát hành, The Walking Dead đã bán được 1 triệu bản, phải biết vào thời điểm đó, một tựa game chỉ cần bán được 100 nghìn bản là có thể duy trì chi tiêu cân bằng rồi, tính đến nay, tựa game này đã mang lại doanh thu 40 triệu đô cho Telltale.Sau thành công này, Telltale không ngừng mở rộng quy mô, và cuối cùng đạt tới con số hơn 400 nhân viên. Điều này cho thấy sức cạnh tranh rất lớn của hãng.

    Vì thế khi Telltale tuyên bố phá sản, hầu hết tất cả các hãng truyền thông báo chí đều dùng những cụm từ như ‘không hề có dấu hiệu báo trước’ hay ‘đột tử’ để biểu đạt sự kinh ngạc của mình, một công ty game có vị thế lớn như Telltale sao nói sập là sập luôn được? Nhưng tất cả đều có căn nguyên của nó.

    Đã sớm có dấu hiệu đi xuống

    Có được nguồn vốn và nhân lực dồi dào, Telltale chuyên mua lại những IP cực hot về để chuyển thể, nhưng những tác phẩm sau này của Telltale đều không thể đạt được thành công như The Walking Dead.
    Những tựa game của hãng không có nhiều thay đổi, game nào cũng nhàng nhàng như nhau, sử dụng công nghệ cũ kỹ với engine lỗi thời có tuổi đời lên đến 14 năm. Không nói đến chất lượng đồ họa của tựa game, chỉ cần hiện tượng bug tràn lan cũng đủ để khiến một loạt người chơi lùi bước rồi.

    [​IMG]


    Thực ra Telltale không có một tựa game nào hoàn toàn là của mình, tất cả game của công ty này đều được mua bản quyền từ người khác, cuối cùng thành công hay không toàn nhờ vào kĩ thuật ‘xào nấu lại’. Phí bản quyền của những tác phẩm lớn quá cao dẫn đến việc thu ngắn thời gian quay vòng vốn, vì thế hãng phải đẩy nhanh việc chế tác, khó đảm bảo chất lượng cho game.

    Đồng thời công ty cũng xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng về mặt quản lí khi những cấp lãnh đạo của công ty can thiệp quá sâu và việc phát triển game của bộ phận thiết kế, thậm chí có khi còn yêu cầu thay đổi đến 80% nội dung tựa game, mỗi ngày nhân viên phải làm việc từ 14 -18h đồng hồ, thậm chí cả 400 nhân viên của công ty lớn này đều phải tăng ca suốt đêm, vì thế những nhân tài sáng tạo cứ lần lượt dứt áo ra đi.

    Sự cứu vãn muộn màng

    Không phải Telltale không phát hiện ra nguy cơ của mình, nhưng mọi hành động cứu vãn của hãng đều thất bại.

    Tháng 11 năm 2017, Telltale tuyên bố cắt giảm 25% nhân viên, nỗ lực dùng đội ngũ xuất sắc nhất của mình để tạo nên những tựa game hay nhất, nâng cao sức cạnh tranh của công ty.Tháng 6 năm 2018, Telltale tuyên bố sẽ thôi sử dụng engine cũ kĩ 14 năm tuổi Telltale Tool của mình mà thay bằng Unity, đồng thời chiêu một thêm nhân tài, kéo dài thời gian phát hành của một số tựa game.

    [​IMG]

    Nhưng mọi chuyện là quá muộn với Telltale, công ty đã phải cắt giảm gần hết nhân viên, đồng nghĩa với việc đã đi tới điểm cuối của chặng đường. Và vì không thông báo trước 60 ngày trước khi sa thải nhân viên, rất có thể Telltale sẽ phải đối mặt với án kiện từ chính nhân viên của mình.

    Và vì phần lớn những tựa game của công ty này sử dụng hình thức tự sự chương hồi, công ty đóng cửa đồng nghĩa với việc những tựa game mà người chơi chờ đợi nhiều năm sẽ không bao giờ kết thúc. Nhiều dự án game như The Wolf Among Us 2, The Walking Dead: The Final Season, Batman hoặc hủy bỏ hoặc tạm ngừng.

    Sau tất cả, Telltale để lại cho mình một mớ hỗn độn, để lại cho người chơi những câu chuyện không hồi kết và để lại cho làng game một vết xe đổ đầy nuối tiếc trên con đường phát triển.




Chia sẻ trang này

Tin mới nhất