Game đóng mác "về với tuổi thơ" đang lợi dụng game thủ?

Hard
  1. Liệu những tựa game xưa cũ được nhà phát triển mang trở lại với thế giới game, có đang lợi dụng tình cảm game thủ và khiến ngành công nghiệp game bước lùi?

    Phong cách làm game theo hướng hồi tưởng lại quá khứ dường như đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới ảo, đặc biệt là với nền tảng Mobile. Chúng "hồi sinh" qua nhiều hình thức khác nhau, từ làm lại dưới lớp áo đồ họa đổi mới hay chuyển hệ trực tiếp sang các thiết bị tân thời. Điểm đặc biệt của những sản phẩm này là dù chúng đã khoác lên mình tấm áo xưa cũ hàng chục năm trời nhưng vẫn được cộng đồng đón nhận cực kỳ nồng nhiệt..

    Chẳng vậy mà những series đình đám như Final Fantasy hay Dragon Quest liên tục được Square Enix đưa lên Mobile thường xuyên, cho game thủ làm quen với các bậc lão làng vốn đã đứng từ những ngày "khai thiên lập địa". Điều này cũng thể hiện rõ nét qua việc Nintendo đánh tiếng với game di động mới đây, mở ra khả năng đón chào sự trở lại của vô vàn huyền thoại như Super Mario Bros hay Legend of Zelda nức tiếng.

    [​IMG]
    Các nhà phát triển đang đổ theo xu thế hồi sinh những tựa game huyền thoại
    từ các hệ mãy cổ trước đây.

    Khơi gợi lại ký ức đẹp đẽ và đánh thẳng vào trái tim của cả một thế hệ, những tựa game này chắc chắn nắm tấm vé thành công trong ngày trở lại thế giới game. Nhưng quá khứ đẹp không đảm bảo một tương lai tốt, đặc biệt khi những ông lớn của ngành công nghiệp chỉ biết nhăm nhe rút sạch hầu bao game thủ. Những Dungeon Keeper, Sim City hay Rollercoaster Tycoon chỉ là một vài ví dụ cho những huyền thoại bị lôi lên từ quá khứ để rồi "vắt sữa" một cách không thương tiếc. Chính vì thế, cách làm game theo hướng "hồi tưởng quá khứ" hay "về với tuổi thơ" đang đặt ra những mối nguy hại tiềm ẩn cho bản thân game thủ nói riêng và ngành công nghiệp game nói chung.

    Cám dỗ hiện về từ ký ức

    Không có cám dỗ nếu những nhà phát triển không nắm trong tay các tựa game lẫy lừng tiếng tăm vốn quy tụ đông đảo game thủ. Và mỗi khi kiếm tìm được trong kho tàng xa xưa những đại diện hội đủ điều kiện, thứ mà những ông lớn ngành game hướng tới đầu tiên chính là ký ức của người chơi.

    Những ký ức đẹp đẽ đó sẽ khiến fan hâm mộ đặt tay lên tựa game ngay tức thì, khiến họ khao khát trở lại với quãng thời gian tuyệt vời ngày trước. Tuy nhiên đa phần nó sẽ không giúp họ đảm bảo được chất lượng thưởng thức sau đó. Nói lại những Dungeon Keeper hay Sim City ở trên, chúng chính là ví dụ tiêu biểu cho việc "đầu xuôi, đuôi không lọt" này.

    [​IMG]

    Gánh trên vai cả một chiều dài lịch sử và được ông lớn Electronic Arts hồi sinh, nhưng cả hai cái tên đã đặt quá nặng hình thức "Free to Play", biến thành con gà công nghiệp với vô vàn chiêu trò moi móc túi tiền game thủ. Điển hình nhất vẫn là những chức năng khiến người chơi phải lặp đi lặp lại không mệt mỏi một quá trình nào đó, cày cuốc với cảm giác nhàm chán đến tận cổ nếu không muốn quy đổi tiền thật. Bóng hình quen thuộc ngày nào bị đánh mất, cảm giác được trở lại với ký ức tuổi thơ sớm thay thế bởi những cỗ máy đói tiền. Tất cả khiến chúng ta phải nghĩ ngợi, rằng liệu có phải những huyền thoại trước đây rồi cũng tới một ngày được sống lại, được hồi sinh nhưng dưới cái bóng của đám zombie khát máu?

    [​IMG]
    Dungeon Keeper là một ví dụ đau đớn cho những ai từng yêu cái tên này vào
    những năm 90 của thế kỷ trước.

    Ôm mộng quá khứ, đánh mất tương lai

    Nếu từng kinh qua siêu phẩm Max Payne 3, bạn hẳn sẽ nhớ câu nói: "Có hai loại người trên cõi đời này, một sống để xây đắp tương lai, và một sống để tạo dựng lại quá khứ". Những nhà phát triển game cũng vậy, đôi khi họ hồi sinh các tựa game xưa cũ chỉ để tri ân người hâm mộ.. nhưng nhiều khi chỉ do họ muốn tái hiện lại thành công trước đây.

    Việc này hẳn nhiên không có gì sai, nhưng chính khi họ mất tiền bạc, tâm sức, nhân lực chỉ để vực dậy một sản phẩm cũ, tức là bản thân họ đã muốn đứng yên và chấp nhận mình sẽ không sản sinh ra bất cứ thứ gì trong tương lai. Với con đường đó, họ khó có thể đưa ra bất cứ ý tưởng sáng tạo nào cho bản thân, chỉ mãi ôm đồm về một hình bóng đẹp đã mãi rơi vào quên lãng.

    [​IMG]
    Nhìn lại quá khứ là không sai, nhưng đừng để chúng ám ảnh quyết định tương lai của bạn.

    Cộng đồng hâm mộ lâu năm có thể cảm thấy vui mừng trước mắt, nhưng sự vui mừng đó sẽ phải trả bằng một thời gian dài chờ đợi, chờ đợi cho một cơn gió thực sự mới, chờ đợi cho một tựa game cách tân thật sự chứ không phải "xào đi xào lại" công thức lối chơi ban đầu. Hãy nghĩ xem nếu nhà phát triển có thể lấy những tài nguyên mà họ dùng cho quá trình vực dậy một tựa game xa xưa, và dồn vào việc phát kiến một tựa game tân thời, thì biết đâu cộng đồng còn có cơ hội đạt tới một trải nghiệm chất lương hơn nữa.. thay vì dậm chân tại chỗ và nhìn lại về một giá trị bị lặp đi lặp lại.

    Râu ông nọ cắm cằm bà kia

    "Râu ông nọ cắm cằm bà kia" cũng là một cách thức để các nhà phát triển đánh vào tâm lý "hoài cổ" của game thủ. Thay vì hồi sinh trực tiếp, họ sẽ sửa đổi game sang một phong cách khác... mà thường thấy nhất trên Mobile chính là Match-Three. Tựa game mới vẫn sẽ mang tên tuổi của huyền thoại, nhưng thay vào đó tiếp cận lối chơi theo hướng hoàn toàn khác và chẳng mấy khi liên quan tới người tiền nhiệm.

    Tuy không hiệu quả như các phương pháp đã nói, nhưng cách thức này vẫn tạo ấn tượng cho người chơi về một sản phẩm từng được họ yêu mến và gắn liền xuyên suốt tuổi thơ. Tuy nhiên, bằng cách chuyển đổi sang một công thức gameplay khác, những tựa game "đóng mác A nhưng mang hồn B" này sẽ sớm xóa bỏ ký ức đẹp đẽ ngày nào... đơn giản vì chúng về cơ bản không phải là những tựa game bạn đã từng chơi.

    [​IMG]
    Nếu các nhà phát triển cứ mãi ngủ quên trên vinh quang quá khứ, liệu chúng ta có cơ hội đón chào những tân binh sáng tạo như thế này?

    Những đứa con lai, những sản phẩm ăn theo này chỉ mượn danh nghĩa của các huyền thoại đi trước, để rồi đưa đẩy game thủ sang một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Tất nhiên chất lượng của những tựa game như vậy có thể tốt xấu tùy nghi, nhưng rõ ràng cảm xúc mà bạn từng có sẽ bị trộn lẫn và tác động, mất chỗ này, rơi chỗ kia, để rồi thay thế những gì bạn từng nhớ trong tâm trí.

    Nếu tất cả ngành công nghiệp game lấy phương pháp này làm tôn chỉ, liệu chúng ta có cơ hội thưởng thức những cái tên sáng tạo vượt tầm như Monument Valley, Three! hay Minecraft? Hồi tưởng về giá trị xưa cũ là nên làm, nhưng bằng cách nào để chúng không kéo lùi lại con đường tương lai còn quan trọng hơn vô vàn. Dấu hỏi về sự cân bằng tất nhiên vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng chúng ta biết điều cần làm đầu tiên sẽ là phải giữ mình trước cám dỗ hiện về từ quá khứ.


Chia sẻ trang này

Tin mới nhất